50% trẻ em bị ảnh hưởng tâm lý trong đại dịch

Covid-19 đã gây ra những lo ngại đáng kể đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em, thanh thiếu niên cũng như các bậc cha mẹ.

Trẻ em cảm thấy lo âu dưới tác động của dịch bệnh

Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề dịch Covid-19 ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ em. Theo đó có khoảng 50% trẻ bị rối loạn tâm thần, thể hiện ở 3 triệu chứng: lo âu, trầm cảm, hoặc vừa bị lo âu và trầm cảm. Việc dẫn đến tình trạng có thể có nhiều nguyên nhân: ở nhà kéo dài, bỏ nhiều thời gian tiếp xúc với các thiết bị điện tử, lo lắng vì Covid-19”.

Bác sĩ cũng cho biết một vài dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị chứng trầm cảm: “Khi trẻ có dấu hiệu trầm cảm sẽ thường xuyên cảm thấy buồn bã, chán nản, ngại giao tiếp, không còn niềm vui và hứng thú đối với các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

Ngoài ra cũng có những triệu chứng như mất ngủ, khó ngủ, ngủ không ngon giấc. Trong lúc học tập bị mất tập trung, trí nhớ kém, hay quên nhiệm vụ và khó có thể để ý hoặc tập trung lâu vào bất cứ hoạt động nào. Các biểu hiện của chứng bệnh này thường sẽ kéo dài tối thiểu khoảng 2 tuần”.

Cùng trao đổi vấn đề trên với PV, TS.Trần Thu Hương, chuyên gia tâm lý, giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ: “Do ảnh hưởng của dịch, trẻ phải ở nhà một thời gian dài và chuyển sang hình thức học trực tuyến. Việc bị ảnh hưởng tâm lý sẽ diễn ra cả ở người lớn và trẻ nhỏ.

Tuy nhiên, theo tôi nhóm bạn học sinh lớp 6-7 sẽ gặp nhiều vấn đề hơn cả. Bởi nếu được đến trường, các con cũng cần 1 đến 2 tháng để thích ứng môi trường học tập mới của cấp 2. Học sinh phải làm quen với việc phân nhiều môn học hơn, được học với rất nhiều giáo viên, chủ động trong chuyện ghi chép. Bình thường học trực tiếp đã nhiều áp lực, vậy mà bây giờ lại phải làm quen những cái mới qua hình thức online”.

Xã hội - 50% trẻ em bị ảnh hưởng tâm lý trong đại dịch

Các bạn học sinh cảm thấy lo âu khi phải ở nhà kéo dài

Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng không phải tất cả các học sinh khi học trực tuyến đều có sự đồng hành của phụ huynh. Ít có bố mẹ nào có sự cam kết bên các con mà mang lại hiệu quả mà đôi khi còn gây ra phản ứng ngược.

Cô Thu Hương bày tỏ: “Bố mẹ không tạo ra sự thoải mái cho các con để các bạn có một giờ học chất lượng. Phu hynh có xu hướng đặt nhiều kỳ vọng vào con, muốn con trong giờ học phải hăng hái phát biểu, nhanh chóng giải được bài tập.

Hiện nay, một bộ phận phụ huynh không nhỏ coi trách nhiệm dạy con cái là của nhà trường, an tâm giao cho thầy cô dạy dỗ đứa con của mình.

Vì vậy, khi phải học online, bố mẹ phải bỏ thời gian học cùng con, hỗ trợ trang thiết bị cho con, quản lý con cái,…điều này làm thay đổi thói quen, quan điểm trước kia của họ, vô hình chung dẫn tới áp lực của phụ huynh”.

Ngoài ra, thầy cô cũng là những người chịu rất nhiều căng thẳng khi phải truyền tải nhiều lượng kiến thức trong thời gian ngắn, tạo sự hứng thú cho học sinh, quản lý lớp, đảm bảo chất lượng giảng dạy,…

Cần mang một tâm thế đón nhận

TS.Trần Thu Hương khuyên các bố mẹ và thầy cô nên biết chấp nhận những gì đang diễn ra, vì việc học online là phương án tốt nhất ở thời điểm hiện tại.

Chuyên gia cho biết: “Phụ huynh cần nhìn theo hướng tích cực. Nhờ có việc học online mà bố mẹ có thể phát hiện ra những vấn đề của con, biết được tính cách của con khi đi học, khả năng tư duy của trẻ trước một vấn đề, nội dung con học.

Từ những giờ học cùng con, bố mẹ có thể thấy được xu hướng học tập của các bạn, con hứng thú với môn học nào. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để bố mẹ tiếp xúc trực tiếp nhất với bạn bè của trẻ”.

Những điều trên hoàn toàn khó có thể biết được nếu như trước kia sáng đưa con đi học, tối đón con về. Và chỉ nhận được thông tin qua thầy cô vào những dịp họp phụ huynh ít ỏi, hoặc nếu trẻ bị mắc lỗi.

Từ cách nhìn nhận này, sẽ tạo ra sự nhiệt tình trong tương tác với con. Chất lượng giao tiếp sẽ được nâng cao giữa bố mẹ và con, hạn chế nguy cơ đứt gãy giao tiếp.

Xã hội - 50% trẻ em bị ảnh hưởng tâm lý trong đại dịch (Hình 2).

Cần đồng hành cùng trẻ vượt qua đại dịch (Nguồn ảnh: UNICEF Viêt Nam)

Về phía thầy cô giáo, chuyên gia cũng đưa ra ý kiến: “Không phải đến khi dạy trực tuyến mới cần tương tác sư phạm. Thầy cô không cần quá quan trọng dạy gì, mà quan trọng dạy như thế nào. Cái dạy gì phải được thế hiện qua phương pháp đúng. Ngoài ra, nếu giáo viên không biết kiểm soát, chạy theo cảm xúc ức chế sẽ là hỏng mục tiêu lên lớp của thầy cô.

Ở đây, cô Hương vẫn nhẫn mạnh đến việc tâm thế và cảm xúc của thầy cô khi bắt đầu giờ dạy: “Các thầy cô không nên quá áp lực là dạy online hay dạy trực tiếp, dù có dạy online thì các học trò vẫn luôn lắng nghe giờ giảng, theo dõi cô giáo. Khi chính bản thân thầy cô hứng thú với giờ giảng thì các học trò sẽ cuốn theo những kiến thức đó. Yêu và tôn trọng trẻ thì trẻ sẽ đáp lại”.

Bố mẹ và nhà trường cần có sự tương tác để giúp đỡ trẻ hạn chế những biểu hiện tiêu cực trong mùa dịch. Nếu sống trong một môi trường tích cực, biết đón nhận những gì đang diễn ra, trẻ sẽ tự có thể điều chỉnh cảm xúc của mình.

Ngày 5/10, UNICEF cảnh báo rằng Covid-19 có thể sẽ tác động đến sức khỏe tâm thần và thể chất của trẻ em và thanh thiếu niên trong nhiều năm tới trong một báo cáo “Tình hình Trẻ em Thế giới 2021; Trong tâm trí tôi: thúc đẩy, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tâm thần của trẻ em”.

Theo kết quả từ một cuộc khảo sát quốc tế về trẻ em và người trưởng thành ở 21 quốc gia được thực hiện bởi UNICEF, trung bình cứ 5 người trong độ tuổi từ 15-24 được khảo sát thì có 1 người cho biết họ cảm thấy chán nản hoặc hầu như không có hứng thú làm bất cứ việc gì. 

Theo dữ liệu trong báo cáo, cứ 7 em thì có ít nhất 1 em trong tổng trong tổng số trẻ em trên toàn cầu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt phong tỏa. Hơn 1,6 tỷ trẻ em phải hứng chịu những thiệt hại nhất định về giáo dục. Gián đoạn trong sinh hoạt, giáo dục, giải trí cũng như trăn trở về thu nhập gia đình và sức khỏe đang khiến nhiều người trẻ rơi vào cảnh lo sợ, tức giận và băn khoăn về tương lai.

Theo: Người Đưa Tin

Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/50-tre-em-bi-anh-huong-tam-ly-trong-dai-dich-a8464.html