Biến tướng văn hóa thần tượng ở showbiz Trung Quốc

Trong bối cảnh giới giải trí Trung Quốc lao đao vì bê bối đời tư của nghệ sĩ, nhiều vấn đề văn hóa người hâm mộ được mang ra bàn luận.

Zing trích dịch bài ý kiến của học giả Bai Meijiadai trên Sixth Tone nói về mặt trái của văn hóa fandom. Bai Meijiadai hiện là giảng viên khoa Báo chí và Truyền thông của Đại học Liêu Ninh, Trung Quốc.

Ngày 27/8, Cơ quan quản trị không gian mạng Trung Quốc ban hành lệnh cấm mọi hình thức xếp hạng nghệ sĩ dựa vào mức độ nổi tiếng trên các nền tảng kỹ thuật số. Động thái này không nằm ngoài dự đoán. Từ lâu, các nhà quản lý lo ngại vấn đề thần tượng và người hâm mộ vượt ngoài tầm kiểm soát.

Cảm nhận được những luồng gió đang thay đổi, mạng xã hội Weibo thông báo đóng “danh sách ngôi sao quyền lực” vào ngày 6/8. Vài ngày sau, đại diện Weibo cho biết họ sẽ điều chỉnh các bảng xếp hạng nhằm giải quyết tình trạng các fandom bị ám ảnh bởi người nổi tiếng.

Biến tướng của văn hóa fandom

Hiện tại, mục tiêu lớn nhất của chiến dịch là ngăn chặn sự cạnh tranh khốc liệt giữa các cộng đồng người hâm mộ, hạn chế spam bài đăng, chia sẻ và bình luận. Một người hâm mộ nói rằng họ dành nhiều thời gian và công sức hơn để tăng tương tác cho thần tượng, kể từ ngày Weibo thông báo thay đổi thuật toán xếp hạng. Các thành viên trong fandom đưa ra thêm nhiều quy tắc để phù hợp.

Để hiểu lý do, chúng ta cần nhận ra rằng việc tham gia vào văn hóa fandom không đơn giản chỉ là sở thích. Điều này ở Trung Quốc dần trở thành hình thức “lao động dữ liệu” - tức ủng hộ thần tượng thông qua các chiến dịch cụ thể bằng tiền.

Trước đây, thuật ngữ này dùng mô tả hành vi của người hâm mộ Hàn Quốc. Gần đây, theo Yin Yiyi, phó giáo sư nghiên cứu văn hóa và truyền thông tại ĐH Sư phạm Bắc Kinh, điều này thậm chí cực đoan hơn từ khi lan sang Trung Quốc đại lục. Học giả Yiyi gọi đây là hình thức “dữ liệu hóa” của fandom.

Nghĩa là người hâm mộ không còn ủng hộ thần tượng bằng hình thức truyền thống là mua album, poster. Thay vào đó, họ đắm mình vào các cộng đồng, hoạt động ảo, từ việc mua album trực tuyến đến tương tác với người hâm mộ trên trang cá nhân.

Đáng chú ý, việc dữ liệu hóa và ảo hóa fandom khiến hồ sơ công khai của người nổi tiếng dễ bị thao túng trên mạng. Chính điều này khiến văn hóa fandom ngày càng biến tướng. Thay vì chỉ đơn giản là mua album hoặc xin chữ ký, cộng đồng người hâm mộ mở chiến dịch phức tạp, tốn kém để quyết định sự nổi tiếng của thần tượng.

Hệ quả của mô hình này là sự tiêu thụ quá mức. Người hâm mộ thường mua thêm album trực tuyến để tặng bạn bè, người thân, thậm chí đặt sang một góc để đẩy tên tuổi thần tượng đứng đầu bảng xếp hạng.

Một số fan thậm chí đặt mua số lượng lớn album nhưng yêu cầu nhà phân phối không cần giao sản phẩm. Đây là phương thức được gọi là “mua nhưng không cần giao hàng".

Hồi tháng 4, chương trình Thanh xuân có bạn 3 bị hủy sau khi các video người dân đổ sữa xuống mương lan truyền trên mạng xã hội. Đây là cách những người hâm mộ giàu có thuê dân lao động lấy mã QR để bình chọn cho thần tượng có thể đi tiếp trong show sống còn.

Tựu trung lại, fandom ngày càng liên quan đến lao động. Người hâm mộ - một số còn ngồi trên ghế nhà trường, sống nhờ tiền của bố mẹ - đang có dấu hiệu kiệt sức.

Thậm chí, một số người dùng mạng đang yêu cầu hạn chế thời gian sử dụng mạng xã hội đối với người chưa đủ 18 tuổi để trẻ vị thành niên có cơ hội được nghỉ ngơi. "Ai mà không muốn nằm im và tận hưởng cảm giác Tôi nằm trong fandom nổi tiếng?" một người hỏi.

Ai hưởng lợi?

Trong cuốn sách Exploiting Fandom: How the Media Industry Seeks to Manipulate Fans (tạm dịch: Khai thác Fandom: Cách truyền thông thao túng người hâm mộ), tác giả Mel Stanfill cho rằng giao diện và thuật toán được thiết kế có lợi cho phía nhà sản xuất. Mặc dù các thần tượng hưởng lợi từ người hâm mộ trung thành, thực tế chiến thắng lớn thuộc về các nhà sản xuất chương trình.

Đây chính xác là những gì đang diễn ra ở văn hóa fandom Trung Quốc. Các bảng xếp hạng, bao gồm danh sách ngôi sao quyền lực của Weibo không để đo lường thành tích của nghệ sĩ, mà để chuyển đổi sức lao động của người hâm mộ thành loại tương tác với các nhà sản xuất.

Điều đó sẽ tăng doanh thu quảng cáo của nhà sản xuất và giá trị thị trường. Người hâm mộ không chỉ “làm việc” để ủng hộ thần tượng, họ đang “lao động không công” cho các chương trình giải trí, nhà sản xuất game show...

Hơn nữa, vì người hâm mộ trực tuyến thường là nữ giới trẻ tuổi, họ dễ dàng trở thành “vật tế”, bị đổi lỗi mỗi khi thần tượng gặp sự cố. Công chúng thường đổ oan cho “fan girl” - thuật ngữ mang hàm ý phân biệt giới tính và mang tính bắt nạt.

Điều này càng trở nên trầm trọng hơn khi những câu chuyện có thật về hậu quả fandom xuất hiện ngày càng nhiều, tiêu biểu là có người hâm mộ thiếu nợ hoặc xin tiền gia đình để ủng hộ thần tượng.

Tuy nhiên, rất sai lầm khi kết luận người hâm mộ toàn là người mù quáng. Nghiên cứu của Wu Fang từ ĐH Giao thông Thượng Hải chỉ ra rằng một số người hâm mộ không hài lòng với những gì đang diễn ra. Hàng loạt cuộc thi ra đời với yêu cầu bình chọn, những cuộc chiến giữa fandom khiến họ kiệt sức.

Có thể có hoặc không thể đưa nền công nghiệp giải trí Trung Quốc trở lại mục đích ban đầu là tạo ra những tác phẩm hay, thay vì biến tướng như hiện tại. Trong ngắn hạn, các nhà quản lý có thể đưa ra nhiều quy định hơn. Song, nhiều fan không muốn hoàn toàn thoát ly khỏi văn hóa fandom. Điều họ cần là niềm vui, không phải để nhà sản xuất lợi dụng trở thành thành công cụ lao động.

Theo: Zing

Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/bien-tuong-van-hoa-than-tuong-o-showbiz-trung-quoc-a7999.html