Tại sao TP.HCM nên cho phép 'đi chợ hộ' qua ứng dụng?

Do "đi chợ hộ" quá tải, đại diện các siêu thị ở TP.HCM cho rằng cần tận dụng nền tảng kết nối sẵn có của các ứng dụng giao hàng để gỡ khó cho người mua, nhà bán lẻ và địa phương.

di cho ho qua app anh 1

 

Mới đây Grab đề xuất cho "mượn" hạ tầng ứng dụng hỗ trợ kết nối lực lượng đi chợ hộ với đơn vị cung ứng hàng hóa và người dân. Theo đó, người dân sẽ tải ứng dụng Grab về điện thoại thông minh và tạo tài khoản người dùng trên ứng dụng, danh mục GrabMart trên ứng dụng Grab, nhập địa chỉ cư trú, lựa chọn các mặt hàng và số lượng cần mua.

Người dùng sẽ chỉ đặt hàng được tại các đơn vị cung ứng hàng hóa trong khu vực sinh sống của mình và được khuyến khích lựa chọn phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trên ứng dụng. Trường hợp người dùng chưa có thẻ ngân hàng, thẻ thanh toán, ví điện tử, có thể lựa chọn thanh toán bằng tiền mặt cho người đi chợ hộ khi nhận hàng.

Đại diện Grab cũng cho biết mong muốn sẽ tiếp tục triển khai thêm tại các quận huyện khác sau khi áp dụng tại TP Thủ Đức từ 17h ngày 28/8 nếu được sự đồng tình của chính quyền địa phương.

Theo nhiều siêu thị, việc một số đơn vị công nghệ đề xuất ứng dụng hạ tầng công nghệ để hỗ trợ cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân sẽ góp phần gỡ khó cho địa phương cũng như người dân, giúp các siêu thị dễ dàng quản lý thông tin mua hàng, giao hàng và thanh toán.

di cho ho qua app anh 2

Nhiều người cho rằng việc tận dụng nền tảng kết nối sẵn có của các ứng dụng giao hàng là một phương pháp hữu hiệu cho siêu thị và chính quyền địa phương. Ảnh: Phương Lâm.

Siêu thị được gỡ khó khâu xử lý đơn hàng

Theo bà Đoàn Kim Hương, Trưởng phòng vận hành Aeon Việt Nam, dự kiến số lượng đơn hàng sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới, do người dân có nhu cầu mua thêm các sản phẩm thực phẩm thiết yếu, đặc biệt là đồ tươi sống.

Tuy nhiên, do nhu cầu của người dân ngày càng tăng, từ phía siêu thị cũng như địa phương sẽ cần huy động nguồn lực lớn về nhân sự để chuẩn bị hàng và giao hàng cho từng hộ dân.

"Siêu thị Aeon sẽ tiếp tục tận dụng nguồn nhân lực hiện có để chuẩn bị đơn hàng, đồng thời mong muốn các cơ quan ban ngành cũng sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để tăng thêm nhân sự, và đặc biệt là sự phối hợp, giúp đỡ trực tiếp từ địa phương", đại diện này cho hay.

Trước thông tin một số đơn vị công nghệ đề xuất ứng dụng hạ tầng công nghệ để hỗ trợ cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đại diện Aeon Việt Nam cho biết hoạt động này sẽ góp phần gỡ khó cho địa phương cũng như người dân dễ dàng hơn trong việc quản lý thông tin mua hàng, giao hàng và thanh toán.

Tương tự, đại diện một hệ thống siêu thị khác cũng rất đồng tình với phương án kết hợp hạ tầng công nghệ hỗ trợ "đi chợ hộ". "Với phương án này, nhân viên siêu thị sẽ đỡ vất vả trong việc tiếp nhận đơn hàng. Theo đó, nhân viên chỉ việc in đơn hàng từ Grab gửi về soạn hàng thay vì chờ tiếp nhận đơn từ phường, người dân", đại diện này cho hay.

di cho ho qua app anh 3

Nhiều siêu thị, địa phương mong muốn nhanh chóng triển khai phương án đi chợ hộ qua ứng dụng công nghệ. Ảnh: Phương Lâm.

Ngoài ra, đại diện siêu thị này đề xuất cần cho phép thêm nhân viên của siêu thị và ứng dụng công nghệ như Grab, Ahamove,... tham gia hỗ trợ.

"Hiện nay lực lượng nhân viên siêu thị và các phường, xã quá ít để phục vụ số lượng lớn nhu cầu người dân. Do đó, TP cần xem xét bổ sung nhân lực giao hàng siêu thị và các hệ thống ứng dụng giao hàng sẵn có. Hơn ai hết họ là đối tượng hiểu rõ cung đường giao như thế nào là nhanh nhất", đại diện này nêu quan điểm.

Theo đề xuất của Grab, để kết nối với người dùng, các đơn vị cung ứng hàng hóa sẽ tạo lập một gian hàng trực tuyến trên ứng dụng Grab. "Gian hàng sẽ hiển thị đầy đủ các mặt hàng có sẵn cập nhật theo từng thời điểm. Hàng hóa sẽ được sắp xếp theo dạng đơn lẻ hoặc theo gói combo và giao khi người đi chợ hộ tới nhận", đại diện Grab cho hay.

Hoạt động này sẽ góp phần gỡ khó cho địa phương cũng như người dân dễ dàng hơn trong việc quản lý thông tin mua hàng, giao hàng và thanh toán.

Bà Đoàn Kim Hương, Trưởng phòng vận hành Aeon Việt Nam.

Nếu người dùng thanh toán bằng tiền mặt, đơn vị cung ứng hàng hóa sẽ nhận tiền mặt từ người đi chợ hộ. Đối với lực lượng đi chợ thay, mỗi tổ công tác đặc biệt của phường/xã tạo lập một tài khoản người đi chợ thay, bao gồm tên (ví dụ Tổ công tác đặc biệt phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức), số điện thoại đầu mối liên hệ, email, tài khoản ngân hàng.

"Phương thức này sẽ hỗ trợ cơ quan nhà nước, lực lượng chức năng tiết kiệm thời gian, công sức mà vẫn đảm bảo cung ứng được nhu cầu về lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho 33% nhu cầu của người dùng của toàn thành phố. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ có dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý như số lượng hàng hóa, tần suất giao dịch, truy vết...", đại diện Grab Việt Nam nhấn mạnh.

Ngày 28/8, lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cho biết một số địa phương đang phối hợp với Grab để cung ứng đặt hàng đi chợ hộ nhằm gỡ khó trong việc quá tải khâu đặt hàng. “Nếu phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương thì có thể phối hợp triển khai”, đại diện Sở nói và khẳng định là Grab sẽ không phụ trách giao hàng.

Chuyên môn hóa trong tình hình nguồn lực có giới hạn

Trao đổi với Zing, một chuyên gia kinh tế am hiểu sâu về tình hình của thành phố nhận định những ngày tới, áp lực mua sắm lên hệ thống cung ứng sẽ tăng rất cao khi dự trữ lương thực trong dân giảm xuống.

Trong khi đó, trong khoảng 2 ngày gần đây, nhiều siêu thị và các Tổ công tác đặc biệt ở địa phương đã phải đối diện tình trạng quá tải khi liên tục tiếp nhận lượng đơn hàng tăng nhanh so với những ngày trước đó.

“Gánh nặng mua sắm của khoảng 10 triệu dân đặt lên vai của các nhân viên siêu thị trong khi hệ thống phải cắt giảm rất nhiều nhân viên đi làm theo yêu cầu giãn cách”, chuyên gia này phân tích.

Nói về mô hình đi chợ hộ hiện nay, chuyên gia này chỉ ra nhiều vấn đề. Nhu cầu hàng hóa của người dân rất đa dạng, ngay cả những nhân viên quen việc, có chuyên môn cũng phải mất rất nhiều thời gian để lựa chọn, gom hàng, chưa nói tới những tình nguyện viên không hiểu rõ hệ thống.

Nên để các doanh nghiệp vận chuyển chuyên nghiệp tham gia cung ứng hàng hóa cho dân giúp chia sẻ, giảm gánh nặng cho đội ngũ hiện tại đang rất mỏng

Về công tác giao hàng, những tình nguyện viên như bộ đội, Tổ Covid cộng đồng thì không có kinh nghiệm hoặc không quen địa bàn; người trung niên, cao tuổi thì khả năng sử dụng công nghệ kém nên nhiều việc phải làm thủ công…

Siêu thị, cửa hàng trong chuỗi cung ứng thiếu nhân viên. Những người được đi làm thì vừa phải tập trung lo hàng hóa, vừa phải hỗ trợ địa phương giao hàng.

Theo chuyên gia, đây là khối lượng công việc khổng lồ. Ông dẫn chứng gần đây có tình trạng người dân phản ánh rằng họ nhận phải thịt, cá ôi thiu từ siêu thị. Chuyên gia nhận định không phải siêu thị bán hàng không đủ chất lượng.

Vấn đề là nhân viên đóng gói hàng từ sáng, thông báo cho đội ngũ giao hàng đến cuối giờ mới sắp xếp đến lấy hàng, nghỉ trưa, qua buổi chiều mới đi giao, do chưa quen có khi tối mới giao xong, cộng với thời tiết nóng bức, hàng hóa tươi sống không được bảo quản đúng cách dẫn đến mau hỏng.

di cho ho qua app anh 4

Hiện nay, gánh nặng mua sắm của khoảng 10 triệu dân TP.HCM đặt lên vai của hàng chục nghìn người trong một hệ thống cung ứng chỉ được vận hành khoảng 20-30% công suất. Ảnh: Phương Lâm.

“Sắp tới áp lực rất cao nên cần có giải pháp. Phải chuyên môn hóa trong tình hình nguồn lực có giới hạn”, chuyên gia nhấn mạnh.

Chuyên gia này cho rằng nên để các doanh nghiệp vận chuyển chuyên nghiệp tham gia cung ứng hàng hóa cho dân giúp chia sẻ, giảm gánh nặng cho đội ngũ hiện tại đang rất mỏng. Đây là giải pháp phù hợp vào thời điểm này.

Trước khi dịch bệnh bùng phát, các ứng dụng của shipper công nghệ đã có chương trình “đi chợ hộ” để phục vụ nhu cầu của nhóm khách hàng bận rộn. Xuất phát từ nhu cầu của thị trường, hệ thống này đã tự tối ưu hóa quy trình như cách thức chọn hàng; giao hàng; thanh toán; kết nối với hệ thống siêu thị…

"Có thể ưu tiên chọn shipper đã tiêm vaccine"

Từ góc độ chuyên môn, chuyên gia này cho rằng đội ngũ shipper công nghệ rất dễ quản lý bởi họ hoạt động dựa trên ứng dụng công nghệ. Cơ quan chức năng hoàn toàn có thể kiểm soát lộ trình của shipper qua ứng dụng. Nếu cần có thể truy vết dễ dàng. Các công ty có thể ưu tiên chọn shipper đã tiêm vaccine để hoạt động.

Trước câu hỏi về chi phí dịch vụ nếu để các đơn vị như Grab tham gia đi chợ hộ cho dân. Ông cho rằng có 2 phương án. Phương án thứ nhất là công ty vận chuyển và hệ thống siêu thị tự tính toán với nhau. Phương án thứ hai là chính quyền cho phép các công ty này được thu phí giao hàng của người tiêu dùng như trước đây.

Với cách làm này, thành phố có thể chia 10 triệu dân TP.HCM thành 3 nhóm đối tượng: Nhóm có khả năng tự chi trả tiền cho lương thực, thực phẩm và chi phí vận chuyển có thể đặt hàng qua ứng dụng, shipper và nhân viên siêu thị sẽ giao hàng; Nhóm thứ hai là người dân trong khu vực bị phong tỏa, cách ly thì sử dụng hệ thống “đi chợ hộ” của địa phương; Nhóm thứ ba là người dân khó khăn, không có khả năng mua lương thực, thực phẩm thì chính quyền cơ sở sẽ hỗ trợ các gói an sinh.

Như vậy, các nhân viên trong hệ thống cung ứng sẽ được giảm tải rất nhiều vì chỉ cần tập trung vào việc gom hàng hóa theo đơn đặt hàng, không cần tham gia giao hàng.

“Việc không tận dụng hệ thống công nghệ có sẵn là sự lãng phí nguồn lực rất lớn. Chính quyền muốn lo cho dân là động cơ tốt nhưng nếu không thể lo xuể thì cần giải pháp khai thác nguồn lực xã hội, đặc biệt là các nguồn lực có chuyên môn, cần khai thác đúng, trả đúng công việc về cho những cá nhân, tổ chức đã được xã hội công nhận vai trò. Vấn đề là chúng ta tổ chức kiểm soát cho hiệu quả”, ông nhận định.

Theo: Zing

Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/tai-sao-tphcm-nen-cho-phep-di-cho-ho-qua-ung-dung-a7967.html