“Ông chịu khó thở bằng máy này, đợi người kia khỏe hơn, tôi đổi loại khác cho ông” - bác sĩ Lê Hoàng Khoa, công tác tại khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), đang làm việc ở khu cách ly huyện Bình Chánh nói với một F0 bị suy hô hấp, đang co rúm trên giường gấp thở oxy mask.
Bên cạnh, một phụ nữ trung niên đang ăn cơm, tay cầm ống thở oxy đặt lên mũi. Căn phòng chưa đến 70 m2 đặt 7 giường gấp, khoảng 6 người phải thở oxy.
Khu cách ly tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh (TP.HCM) có đến 5 phòng như thế. Dãy phòng học cũ kỹ được trưng dụng thành phòng cấp cứu của hàng chục F0 nặng.
Những nhân viên y tế như bác sĩ Khoa phải nhiều lần đấu tranh tâm lý để ưu tiên bệnh nhân nào thở oxy. Suốt hơn 2 tháng, các y bác sĩ đã kiên trì giành giật sự sống cho hàng trăm F0 nặng, ngay tại khu cách ly tuyến huyện.
Khu cách ly "đa tầng"
Nhân viên y tế khan hiếm, bệnh nhân lại đông, bác sĩ Lê Hoàng Khoa gần như bám trụ tại khu cách ly huyện Bình Chánh, chưa một ngày nghỉ.
“Chúng tôi không sợ khó, cũng không ngại khổ. Sợ nhất là không cứu được người bệnh. Khi trong tay không có đầy đủ thiết bị, thầy thuốc đôi khi phải lựa chọn giữa việc ưu tiên ai thở oxy dòng cao, ai phải oxy mask cầm cự. Đó đều là những quyết định đau lòng mà bác sĩ hồi sức phải trải qua”, bác sĩ Khoa kể.
Bác sĩ Khoa hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 bị suy hô hấp được thở máy không xâm nhập. Ảnh: Duy Hiệu. |
Khi được chuyển qua phòng cấp cứu, một bệnh nhân vật vã vì khó thở, các đầu chi tím tái, SpO2 chỉ còn 65%. Máy thở oxy dòng cao đã ưu tiên cho 6 F0 nặng khác, bác sĩ Khoa đành cho ông cầm cự bằng thở máy không xâm nhập.
Vợ của bệnh nhân đứng nép sau giường, chốc chốc lại hỏi: “Chồng tôi có sao không bác sĩ, ông ấy hình như không thở được”. Bác sĩ Khoa cố gắng trấn an bà rằng mặt nạ áp sát mặt nên sẽ khiến ông khó chịu, nhưng ông đang thở tốt hơn.
Với kinh nghiệm hồi sức, phán đoán của bác sĩ Khoa không sai, nhưng chứng kiến quá nhiều trường hợp đột ngột chuyển nặng, lòng anh cũng không khỏi bất an.
“Chúng tôi là bác sĩ hồi sức, vốn phải chứng kiến nhiều cảnh bệnh nhân tử vong. Tuy nhiên, chúng tôi phải làm sao kiểm soát được cảm xúc và tỷ lệ tử vong thấp nhất. Nếu có nhiều máy oxy, mọi người đều được dùng như nhau, tuy nhiên, tại đây có 50 bệnh nhân nặng cần thở oxy, chúng tôi chỉ có 6 máy HFNC”, bác sĩ Khoa nói.
Bác sĩ Nguyễn Viết Thịnh, phụ trách khu cách ly huyện Bình Chánh, cho biết đơn vị này là nơi tập trung nhiều F0 bất kể nặng nhẹ và bệnh lý khác, từ người già yếu, sản phụ, người bệnh tâm thần, trầm cảm...
Ông kể cách đây vài ngày, một F0 mắc bệnh tâm thần bất chợt đi từ khu điều trị sang dãy phòng nghỉ của y bác sĩ. May mắn là bệnh nhân không làm tổn thương nhân viên y tế. Bác sĩ Lê Hoàng Khoa mặc vội quần áo bảo hộ, đưa bà về lại phòng bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Viết Thịnh, phụ trách khu cách ly huyện Bình Chánh. Ảnh: Duy Hiệu. |
Một bác sĩ lớn tuổi công tác tại trạm y tế, mỗi ngày gọi bác sĩ Thịnh hàng chục cuộc điện thoại. Đôi lúc, ông xin hội chẩn sơ cứu F0 khó thở, nhưng nhiều nhất vẫn là những cuộc gọi xin chuyển F0.
"Thỉnh thoảng, bác ấy lại nấu cháo gà sang cho chúng tôi, giống như hối lộ mình nhận bệnh nhân giúp. Nhưng tình trạng quá tải chung, chúng tôi đã cố gắng nhận hết mức có thể và hỗ trợ bác ấy. Chúng tôi vất vả, bác ấy cũng cực không kém, một mình phải chăm sóc mấy chục F0", bác sĩ Thịnh kể.
Hiện tại, số lượng F0 tại khu cách ly gần như kín giường. Những giường trống ít ỏi còn lại, bác sĩ Thịnh chỉ cân nhắc tiếp nhận F0 thật sự nguy cấp không còn nơi nào để đến.
“Có người bệnh nằm trên xe cấp cứu đi tìm hàng giờ không có cơ sở nào đủ giường trống để tiếp nhận. Nếu chúng tôi không mở cửa, tâm lý của họ sẽ rất hoảng loạn. Tôi đã biết nhiều trường hợp mất trên xe cứu thương, vì khó thở và tử vong trong sự hoảng loạn”, bác sĩ Thịnh kể.
Có lẽ vì điều này, bác sĩ Thịnh quản lý khu cách ly với phương châm không từ chối bất cứ người bệnh nào gõ cửa, bất kể ngày đêm.
“Thà nằm giường gấp ở hành lang, nhưng được thở oxy, người bệnh sẽ ổn định tâm lý. Họ giữ được mạng sống, phương án chuyển viện tính sau. Đó là phương châm của Bệnh viện Nhân dân 115. Tôi sẵn sàng nhận nhiều F0 hơn nhưng sức lực có hạn”, bác sĩ Thịnh chia sẻ.
Bên trong khu cách ly quy mô 2.000 giường tại huyện Bình Chánh. Ảnh: Duy Hiệu. |
Bệnh nhân cần có người thân chăm sóc
Bình Chánh là một trong những điểm dịch Covid-19 nóng nhất TP.HCM. Giai đoạn dịch bùng phát mạnh, bác sĩ Nguyễn Viết Thịnh được Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 biệt phái về huyện Bình Chánh để hỗ trợ điều trị trong những ngày đầu.
Vợ anh không công tác trong ngành y tế nên ở nhà chăm sóc 2 con nhỏ. Ngày từ Bình Dương đến Bình Chánh, anh hẹn vợ con vài ba hôm sẽ sớm về. Đến nay, anh và cùng đồng nghiệp xa nhà đã gần 3 tháng.
Khu cách ly được thành lập ngày 25/7. Số lượng bệnh nhân lớn, các y bác sĩ phải luân phiên nhau theo dõi những ca nguy kịch và hầu như không có thời gian nghỉ. Buổi đêm, nhiều ca trở nặng, y bác sĩ cùng dân quân ôm bình oxy chạy bộ lên các tầng cao, cấp cứu và đưa bệnh nhân xuống.
Bác sĩ Thịnh cho biết tại khu cách ly, việc chăm sóc F0 và kịp thời phát hiện dấu hiệu chuyển nặng rất quan trọng. Do đó, đơn vị này đã huy động tình nguyện viên, sinh viên Đại học Y Dược TP.HCM theo dõi các F0 nghiêm ngặt. Tại phòng cấp cứu, đơn vị này cho phép mỗi F0 có một người thân vào chăm sóc. Bác sĩ cũng nhờ người thân khỏe mạnh này theo dõi giúp các F0 nặng khác.
"Chúng tôi không thể để F0 chống chọi một mình. Chúng ta cũng không nên để họ một mình, nhất là trong điều kiện quá tải, nhân viên y tế không thể sát sao", bác sĩ Thịnh chia sẻ.
Trong khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt, khu cách ly vẫn đạt nhiều thành quả. Đến nay, đơn vị này có trên 3.000 F0 xuất viện, trong đó có khoảng 300 bệnh nhân nặng.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu và giúp đỡ các bệnh nhân cho tới cùng, nhưng có lẽ anh em cần thêm đồng đội hỗ trợ vì quá kiệt sức", bác sĩ Thịnh chia sẻ.
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/zing-newstri-thuc-truc-tuyen-a7926.html