Những đại lộ thênh thang
Từ 0h ngày 9/7, UBND TP.HCM quyết định áp dụng Chỉ thị 16 của Chính Phủ trên toàn địa bàn Thành phố này để phòng chống dịch Covid-19. Mọi người dân được yêu cầu ở trong nhà và chỉ ra đường khi thật sự cần thiết. Các phương tiện vận tải hành khách, ngoại trừ các phương tiện phục vụ cho công tác phòng chống dịch được yêu cầu dừng hoạt động.
Chấp hành chỉ đạo của UBND TP.HCM, trong ngày đầu giãn cách xã hội, người dân đã hạn chế ra khỏi nhà nên đường sá ít người qua lại.
Những tuyến đường lớn thường ngày là điểm nóng kẹt xe, hoặc có lượng phương tiện lưu thông đông, thì nay chỉ có số ít phương tiện là xe máy hoặc số ít xe ô tô cá nhân lưu thông qua lại.
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, UBND TP.HCM huy động mọi lực lượng tham gia phòng chống dịch Covid-19. Các khu vực có nguy cơ lây nhiễm được lực lượng chức năng chốt chặn, hạn chế tối đa người lưu thông vào.
Các khu phong tỏa trước đó tiếp tục được duy trì, các khu vực có yếu tố dịch tễ phức tạp, liên quan đến các ca F0, F1 được lực lượng chức năng giăng dây, tiến hành cách ly, phong tỏa để nguồn bệnh không lây lan ra diện rộng.
Hàng loạt chợ có yếu tố dịch tễ liên quan đến các F1,F2 hay có nguy cơ bùng phát dịch được yêu cầu hoặc tự giác đóng cửa, tạm dừng hoạt động.
Với các chợ hay các siêu thị mini bán hàng thiết yếu đang được hoạt động, nhân viên yêu cầu người đến mua hàng phải xếp hàng, cách nhau 2m và phải khai báo y tế, hạn chế số người tập trung trong siêu thị, chợ để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh theo tinh thần Chỉ thị 16 và theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Các con đường trước khi có dịch là khu vực buôn bán tập trung hàng ăn hay các nhà hàng như Vạn Kiếp, quận Bình Thạnh; đường Phạm Văn Đồng nay đã đóng cửa. Các quán ăn, nhà hàng cũng nghiêm túc chấp hành, không mở cửa để đồng hành cùng TP.HCM chống dịch.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong, bằng nhiều giải pháp khác nhau, lãnh đạo Thành phố này luôn đặt trọng tâm sức khỏe của người dân lên hàng đầu, tuân thủ, bảo đảm các quy định phòng chống dịch bệnh của bộ Y tế, phân chia theo khu vực có nguy cơ dịch bệnh khác nhau để có biện pháp phù hợp, tiến hành giãn cách theo khu vực để tránh dịch bệnh lây lan.
Ông Phong cũng cho biết, từ khi TP.HCM bước vào đợt dịch thứ 4 đến nay, cả hệ thống chính trị và nhân dân TP.HCM đã vào cuộc quyết liệt và triển khai thực hiện rất nhiều giải pháp sáng tạo, đồng bộ, chủ động để kiểm soát, khống chế dịch bệnh.
Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của đại dịch, cùng với mật độ dân cư rất cao tại TP.HCM và mức độ giao thương với các địa phương rất lớn nên công tác kiểm soát dịch bệnh đặt ra nhiều thách thức.
Chính vì vậy, để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, TP.HCM xác định cần phải làm quyết liệt hơn nữa, xem đây là cuộc chiến thực sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo cho sự phát triển dài hạn.
Do số ca nhiễm Covid-19 tại TP.HCM cao, tăng nhanh theo ngày nên buộc phải áp dụng biện pháp mạnh để ngăn chặn dịch bệnh.
Tuy nhiên, nguồn lực của TP.HCM vẫn đảm bảo, vì vậy TP.HCM đề nghị người dân không cần tích trữ hàng hóa, không tập trung đông người tại siêu thị, chợ truyền thống.
Người dân TP.HCM hãy tin tưởng, chung sức cùng lãnh đạo TP.HCM trong thời gian 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Phát huy tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là pháo đài chống dịch. Đồng thời ủng hộ, cảm thông nếu có các bất tiện khi Thành phố áp dụng giãn cách xã hội.
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/tphcm-nhip-song-cham-ngay-dau-gian-cach-xa-hoi-theo-chi-thi-16-a7496.html