Nhạc rock và tuổi teen nổi loạn
Gặp Phạm Hải Âu tại quán cà phê nhỏ trong một buổi chiều mưa, anh chợt nhớ Đà Lạt, nơi mình sinh ra. Anh bắt đầu câu chuyện: “Tuổi thơ của tôi cũng khá bình yên. Ba của tôi hồi trẻ từng là một cây văn nghệ có tiếng. Ba nên duyên với mẹ, một cô giáo và tiếng đàn, tiếng hát của ông đã khiến tôi yêu âm nhạc từ nhỏ”.
Hồi Âu vào tiểu học, ba cho Âu học keyboard ở Cung văn hóa thiếu nhi, cũng là nơi ba làm việc. Từ đó, anh bắt đầu tiếp xúc với nhạc rock và bị tiếng guitar điện réo rắt mê hoặc. “Tôi nhớ vào năm 12 tuổi, khi bắt đầu bước vào độ tuổi ương bướng, tôi biết đến nhạc rock như định mệnh. Lúc đó, không ngại đường xa 30, 40 cây số, tôi và đứa em họ vẫn hay lặn lội đi học guitar điện”, Hải Âu cho biết thêm.
Được 2 năm, Hải Âu cùng với một số anh em trong gia đình lập ban nhạc rock thiếu nhi mang tên Sương mù. Nhờ siêng năng tập luyện, Sương mù dần trở thành cái tên quen thuộc trong giới underground ở Đà Lạt lúc bấy giờ với nhiều sáng tác như: Đại dương sâu thẳm, Chiến tranh, Ngọn gió thánh, Hư vô,… Thế nhưng sau khi cống hiến những đêm diễn hoành tráng ở Rockstorm 2010, ban nhạc cũng tan rã.
Sau này, Hải Âu cũng không còn mặn mà với rock như thời tuổi teen của mình. Anh thừa nhận: “Tôi biết rock không phải tạng của mình, dù thích nhưng không theo được lâu dài. Mình cũng thích sự phóng khoáng, phá cách nhưng thiên về kiểu “nghịch ngầm” hơn là quậy phá, nổi loạn của rock”.
Chính lẽ đó, từ năm 17 tuổi, Hải Âu đã viết nên ca khúc “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”. Giai điệu nhẹ nhàng, giàu tình cảm đã giúp anh tìm thấy chính mình.
Vệt nắng bắt đầu sự nghiệp
Tốt nghiệp phổ thông, anh rời Đà Lạt xuống TP.HCM, theo học trường đại học Văn hóa TP.HCM. Nghe tin Âu học đại học, bạn bè anh ngạc nhiên, thậm chí bất ngờ vì anh từng là cậu học trò cá biệt, khiến ba mẹ rầu lòng, thầy cô lo lắng. Anh thường xuyên cúp học, tóc tai lúc để dài, khi cạo trọc, rồi bấm lỗ tai, đeo khoen lủng lẳng, chẳng biết sợ ai.
Anh nói: “Suốt năm thứ nhất đại học, tháng nào tôi cũng về lại Đà Lạt cho thỏa nỗi nhớ. Rồi mỗi lần trở lại TP.HCM, tôi lại nhận ra TP có… mùi rất lạ. Có lẽ là hơi khói bụi, hơi đông đúc nhưng không hề khó chịu”. Để có thêm tiền trang trải việc học, Âu đi đánh đàn cho đám cưới. Anh bùi ngùi kể: “Không có lúc nào mà tâm trạng khổ như đánh đàn đám cưới. Mình đánh đàn ở trên sân khấu, bụng đói meo, trong khi ở phía dưới người ta ăn uống khí thế. Mình nhớ, hôm đó, tiền cát-sê của mình được 90 ngàn, ông bầu đưa tờ 100, mình không có 10 ngàn thối lại, phải ráng đợi hơn 15 phút nữa để ông bầu đi đổi tiền”.
Nhưng rồi, Âu chợt nhận ra, việc chơi guitar không phải là con đường lâu dài để làm nghề. Âu dần tiếp cận với hòa âm-phối khí qua sự chỉ dẫn tận tình của anh Tâm Vinh, rồi tập tễnh hòa âm hai ca khúc Âu viết hồi 15, 16 tuổi là “Những ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” và “Đã là mãi mãi”. Được một thời gian, Âu bắt đầu nghĩ đến việc viết ca khúc và tự hòa âm cho thỏa sức sáng tạo.
Anh nói: “Những ngày bắt đầu với ai cũng khó khăn cả. Tôi tìm cách gởi sáng tác cho các ca sĩ nổi tiếng. Nhưng không có ai trong số ấy hồi âm”. Không nản chí, Âu đánh liều gởi sáng tác đến chương trình Bài hát Việt. Một bài, hai bài rồi đến bài thứ ba gởi đi mà vẫn bặt vô âm tín. Đã có lúc, Âu thấy hoàn toàn mất phương hướng, rồi lại nghĩ có lẽ tại bản phối sơ sài quá. Thế là, Âu vét mấy trăm ngàn tiền để dành thu bản hoàn chỉnh cho ca khúc “Vệt nắng”.
“Hồi ấy, mình là đứa viết nhạc ất ơ nên đâu có dám nghĩ đến việc mời ca sĩ hát, chỉ biết nhờ người có giọng hát tốt hát giúp thôi”, anh kể. Có lẽ, trời không phụ lòng người nên sáng tác “Vệt nắng” của Hải Âu được chọn. Rồi cơ duyên đưa đẩy, bài hát của Âu được Lân Nhã thể hiện và họ trở thành đôi bạn thân từ đó. Sự giản dị, gần gũi của bài hát đã chiếm được cảm tình của thính giả và giúp anh đạt giải thưởng Bài hát ấn tượng của cuộc thi Bài hát Việt nam 2011 trong niềm vui vỡ òa.
Điểm tựa bình yên cho tâm hồn
Từ dạo đó, Phạm Hải Âu tự tin qua mỗi ngày cùng với âm nhạc. Gặp lại anh sau nhiều năm xa cách, tôi khỏi ngạc nhiên trước anh chàng có mái tóc xoăn năm nào hay rụt rè, nhút nhát. Phạm Hải Âu giờ đây đã đậm đà hơn khi trả lời phỏng vấn, ánh mắt của anh tràn đầu bản lĩnh với nghề đã được tôi luyện. Anh tâm sự: “Có lẽ nguồn năng lượng đó đã có sẳn trong tôi. Nhưng qua thời gian và nhờ âm nhạc mà chính tôi mới tìm được nó để bộc lộ bản thân”.
Gần đây, trong buổi họp báo ra mắt cuộc thi “Sao đại chiến”, tôi đã hỏi về mục đích khi Phạm Hải Âu tham gia chương trình cùng với các đàn anh như Only C, Đỗ Hiếu, Nguyễn Dân,… Anh hài hước ví von mình như “tiếng chim hót trong bụi mận gai”, hót một lần duy nhất rồi im lặng. Nghe vậy, cả khán phòng cười òa vì nét duyên dáng của Phạm Hải Âu. Ấy vậy mà anh nói thật, anh và Vũ Thảo My là cặp nghệ sĩ đầu tiên dừng bước.
Tuy nhiên, anh không buồn mà còn nói: “Có sao đâu, tôi biết vị trí của mình mà. Tôi chỉ tham gia để học hỏi các đàn anh chứ không có ý định hơn thua. Chim hải âu vượt biển cũng phải có lúc mỏi cánh chứ”. Sau nhiều năm gom góp tiền hòa âm, tiền bản quyền ca khúc, Hải Âu giờ đã là chủ một phòng thu trên đường Nguyễn Biểu, quận 5, TP.HCM. Anh trải lòng: “Cuộc sống của mình hiện tại không dư dả nhưng được cái ổn định. Phải ổn định mới lo cho gia đình được”.
Anh nhắc đến gia đình khiến tôi nhớ ra một kỉ niệm thú vị. Vào tháng 1/2014, khi nhận giải thưởng “Bài hát của năm” của cuộc thi Bài hát Việt 2013 với ca khúc “Vì em nhớ anh”, Hải Âu đã gửi lời cảm ơn bạn gái Trúc Mai có mặt cùng anh tại đêm trao giải. Chính cô là nguồn cảm hứng để anh sáng tác ca khúc mang lại chiến thắng cho Phạm Hải Âu.
Khi đó, tôi ngồi cạnh anh, còn bạn gái Trúc Mai ngồi cách xa ở phía bên kia trong nhà hát. Ấy vậy mà người bạn gái đồng hương Đà Lạt vẫn mỉm cười cùng Hải Âu. Họ hạnh phúc cùng nhau mà không cần nắm tay, không cần nói bất kỳ điều gì. Anh cho hay: “Tình cảm giữa tôi và bạn gái đã gắn bó suốt nhiều năm nay. Chúng tôi trở thành một phần trong gia đình của nhau rất tự nhiên, thoải mái dù hai đứa vẫn chưa sẵn sàng kết hôn. Hoạt động trong giới showbiz nhiều phức tạp như chưa bao giờ bạn gái giận hờn hay ghen tuông với tôi. Cô ấy luôn hiểu mình. Đáp lại, tôi luôn chủ động giới thiệu bạn gái làm quen với các đồng nghiệp, bạn bè khi có dịp. Nhờ vậy mà tình cảm của chúng tôi luôn có sự thấu hiểu, tôn trọng”.
Buổi trò chuyện bên tách cà phê dừng lại đúng lúc khi cơn mưa tan dần. Hải Âu tạm biệt tôi để vội vàng bắt chuyến xe về Đà Lạt. “Dù đi đâu hay làm bất cứ điều gi, tôi vẫn luôn nhớ về thành phố quê hương của mình. Như một thói quen để cân bằng cho bình yên trong tâm hồn”, anh nói.
Hà Nhân
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/nhac-si-pham-hai-au-canh-chim-dang-vuot-bien-a5686.html