Liên quan tới vụ ca sỹ Du Thiên bị nhiều tài khoản Youtube bôi nhọ danh dự, ngày 20/10/2020, Tạp chí Đời sống & Pháp luật có giấy giới thiệu số 1019/GGT-ĐSPL cử PV Hà Giang Nam đến làm việc với Sở TT&TT, UBND huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đề nghị xác minh theo đơn thư bạn đọc.
Tuy nhiên, sở TT&TT tỉnh Bắc Giang từ chối làm việc và giao cho Thanh tra Sở lập biên bản làm việc với PV.
Thay vì xem xét những tài khoản Youtube này có vi phạm pháp luật hay không, thì Thanh tra Sở lại quay ra “soi” thẻ nhà báo, tôn chỉ mục đích của Tạp chí… Dư luận đang đặt câu hỏi, việc làm này của sở TT&TT tỉnh Bắc Giang có đúng luật Thanh tra?
Tại Điều 2 Luật Thanh tra năm 2010 quy định về Mục đích hoạt động thanh tra ghi rõ: “Mục đích hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Rõ ràng, theo Điều 2 luật Thanh tra năm 2010 thì PV Tạp chí Đời sống & Pháp luật không phải là đối tượng thanh tra để dẫn đến việc Thanh tra sở TT&TT tỉnh Bắc Giang lập biên bản làm việc một cách duy ý chí theo hướng bất hợp tác với cơ quan báo chí. Nếu không muốn nói là lờ đi những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của những tài khoản youtube đang bôi nhọ ca sĩ Du Thiên?
Một trong những lý do Thanh tra sở TT&TT tỉnh Bắc Giang từ chối làm việc với PV vì không có thẻ nhà báo, mặc dù vẫn có giấy giới thiệu của cơ quan.
Điểm c khoản 1 Điều 27 luật Báo chí quy định về điều kiện, tiêu chuẩn được xét cấp thẻ nhà báo như sau: “…c) Đối với trường hợp cấp thẻ lần đầu, phải có thời gian công tác liên tục tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ từ 02 năm trở lên tính đến thời Điểm xét cấp thẻ, trừ Tổng Biên tập tạp chí khoa học và những trường hợp khác theo quy định của pháp luật”.
Vậy, thử hỏi ông Chánh Thanh tra sở TT&TT Lê Hồng Việt, một sinh viên mới ra trường thì lấy đâu ra thẻ nhà báo để đi làm việc?
Nếu cách làm việc “dị lạ” mang tính hy hữu này được lan truyền ra khắp các tỉnh thành cả nước, thì hàng nghìn PV (chưa đủ thời gian cấp thẻ báo chí) sẽ bị từ chối làm việc và không được hành nghề một cách chính đáng theo đúng luật Báo chí. Đây chính là hành vi vi phạm pháp luật, cản trở hoạt động của báo chí.
Trong khi đó, tại khoản 12 Điều 9 luật Báo chí năm 2016 nghiêm cấm hành vi cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.
Hơn nữa, chiểu theo Luật Thanh tra 2010 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra cũng không cho phép bất kỳ một đơn vị Thanh tra viên nào được phép cản trở hoạt động báo chí đúng luật bằng cách “lập biên bản làm việc” với PV như cách làm của sở TT&TT tỉnh Bắc Giang. Vậy Thanh tra sở TT&TT tỉnh Bắc Giang lập biên bản làm việc với phóng viên nhằm mục đích gì?
Tư Viễn
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/thanh-tra-so-tt-tt-bac-giang-lap-bien-ban-lam-viec-nham-muc-dich-gi-a5502.html