Tổn thương lòng tự hào dân tộc
Mở đầu câu chuyện, tôi nhắc lại những chương trình mang đậm dấu ấn của Thanh Bùi trong năm qua. Chăm chút cho chương trình Thần đồng âm nhạc - Wonderkids vừa xong, anh lại bắt tay ngay vào các chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi. Vừa qua người dân thành phố lại được thưởng thức Đại tiệc ánh sáng đón chào năm mới như câu chuyện về Việt Nam được kể bằng âm nhạc và nghệ thuật. Dường như Thanh Bùi không biết mệt.
Anh hồ hởi: “Một năm qua đi với nhiều chương trình, nhiều dự án được khán giả đón nhận là mình vui lắm, dù tóc bạc hơn nhiều. Nếu bạn hỏi tôi chương trình nào là thương hiệu, tôi không nghĩ nhiều về điều đó. Tôi chỉ biết cuộc đời còn rất dài mà những khát khao và sứ mệnh của tôi dường như ngày càng tăng lên chứ không hề vơi bớt”.
Thanh Bùi ghi dấu ấn đậm nét qua chương trình Thần đồng âm nhạc.
Anh bộc bạch: “Có lẽ tôi quá mê công việc, thậm chí chỉ sống vì công việc. Riết rồi tôi thường khó giữ được một mối quan hệ đẹp. Bởi lẽ, người ta biết rằng. họ chỉ là số 2, không thể là số 1 đối với tôi. Công việc là máu, là hơi thở của mình. Mà khi mình được làm việc cùng những người tài giỏi, trách nhiệm thì động lực cứ tuôn ra ào ào. Lúc trước, khi tham dự một hội nghị về môi trường với hơn 60 quốc gia, một bạn quốc tế đã hỏi tôi, Việt Nam có wifi không, có nước uống không. Tự dưng mình cảm thấy tổn thương lắm. Ai cũng nghĩ đến Việt Nam như một đất nước lạc hậu, đói nghèo. Tôi không muốn con cái mình sau này vẫn phải chịu tổn thương như vậy”. Chính vì thế, trong năm qua, Thanh Bùi luôn cố gắng mời những nghệ sĩ quốc tế về Việt Nam biểu diễn để thay đổi cách nhìn nhận của họ về quê hương mình.
Nam nghệ sĩ muốn bạn bè quốc tế cảm thấy Việt Nam là nơi họ phải đến chứ không phải mình xin họ đến. Điều đó rất khác nhau. “Những đất nước như Singapore, Malaysia, Philipines, Indonesia,… đã có nhiều nghệ sĩ quốc tế đến rồi, và không còn gì mới mẻ nữa.Việt Nam thì Ariana Grande đến rồi mà không biểu diễn được, những nghệ sĩ khác cũng rất khó đến. Việt Nam giống như một nơi mà ai cũng biết nhưng rất ít người đến. Khi mình tạo cho họ cảm hứng là họ phải đến để tận hưởng, trải nghiệm đất nước Việt Nam thì họ sẽ đến và sẽ rất tôn trọng văn hóa chúng ta. Đối với tôi, âm nhạc là ngôn ngữ của thế giới. Khi thưởng thức, bạn có thể không hiểu nhưng cảm xúc từ giai điệu có thể chạm vào trái tim của tất cả chúng ta”, Thanh Bùi nhấn mạnh.
Muốn dạy con những giá trị Việt Nam
Là con người của công việc, nhưng Thanh Bùi vẫn không quên nhiệm vụ trong gia đình của mình. Anh kể: “Với tôi, mỗi sáng thức dậy, nhìn thấy hai con bên cạnh là điều đặc biệt không thể diễn tả. Sáng nào tôi cũng chào con bằng khúc hát Good morning. Tối về, nếu có thời gian tôi sẽ cùng chơi với con, cùng xem các chương trình nhạc hoặc đọc sách cho con. Tôi muốn xây dựng và tập cho con mọi thứ.
Cũng có những lúc mình mệt mỏi vì con, nhưng tôi học được ở vợ sự nhẫn nại và chiều sâu. Tôi không muốn vì quá bận rộn mà mình bỏ bê con cái, phải làm sao để con cảm nhận cha mẹ luôn ở bên cạnh. Điều quan trọng nữa là dạy cho bé cách tự lập, cho con những giá trị cốt lõi để sau này bé sẽ không vấp ngã lần thứ hai tại chính nơi đó. Khi mình thấy được thế hệ tiếp theo đang lớn lên, tự khắc mình sẽ biết bản thân phải làm gì”.
Thanh Bùi luôn tâm huyết với giáo dục âm nhạc nghệ thuật cho trẻ em.
Mong ước lớn nhất của Thanh Bùi là có thể truyền cảm hứng và âm nhạc đến với nhiều trẻ em ở Việt Nam. “Trong nước, mọi người vẫn mang nặng tư duy âm nhạc nghệ thuật còn là xướng ca vô loài. Người nghệ sĩ chưa được tôn trọng với hình ảnh tích cực. Vì thế trẻ em Việt Nam không đặt nặng chuyện học nhạc. Bố mẹ có thể đầu tư cho con giỏi Toán, Tiếng Anh nhưng âm nhạc thì không”, anh chia sẻ. Ở trường, Thanh Bùi không dạy học trò để trở thành ca sĩ, nhạc sĩ. Thực sự, điều anh quan tâm hơn là cách giáo dục con người thông qua âm nhạc, nghệ thuật. Thanh Bùi tự thấy mình may mắn được tiếp cận với những phương pháp giáo dục mới, tiến bộ và thay vì muốn là người nổi tiếng, anh muốn làm một nhà giáo dục hơn bất cứ vai trò nào khác. Những suy nghĩ này càng thôi thúc Thanh Bùi mạnh mẽ hơn sau khi anh làm bố.
“Trước đó, mình đã làm trong môi trường sư phạm một thời gian dài. Nhưng khi con mình ra đời, cảm giác hoàn toàn khác. Nó là máu thịt của mình. Khi có con, mình muốn giáo dục con mình những giá trị của Việt Nam mình. Mình muốn nó học tiếng Việt. Muốn nó hiểu văn hóa, lịch sử của cội nguồn mình…”, nam nghệ sĩ chia sẻ.
Âm nhạc nghệ thuật sẽ thay đổi xã hội
Ghi dấu ấn trong làng nhạc với nhiều vai trò như ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc, giám khảo,…nhưng Thanh Bùi vẫn chưa bao giờ xem mình thuộc về showbiz. “Tôi nghĩ mình chưa bao giờ vào showbiz. Showbiz là cái gì? Tôi không làm âm nhạc nhằm lấy danh tiếng trong showbiz, để kiếm tiền hay danh vọng. Những thứ đó giả tạo lắm. Tôi làm đơn giản vì mê nhạc, muốn phát triển văn hóa, âm nhạc nghệ thuật Việt Nam”.
Quan điểm này cũng được anh áp dụng khi dạy học trò. “Tôi thường nói với học trò, đừng mong đợi xã hội phải cho mình một cái tên. Tại sao cứ phải là nhạc sĩ, ca sĩ hoặc nhà giáo. Tại sao phải gò bản thân vô cái hộp? Cuộc đời này chỉ có mình có quyền gò mình thôi. Nếu các con muốn trở thành bất cứ ai trong cuộc đời này thì chỉ cần học hỏi, có kỹ năng và tư duy”, anh lý giải. Sắp tới, anh sẽ lấy bằng tiến sĩ về giáo dục. “Có thể do mình nhìn cuộc sống qua lăng kính nghệ sĩ nên cái gì cũng nhẹ và đẹp”, Thanh Bùi mỉm cười.
Nói về thế hệ nghệ sĩ trẻ, Thanh Bùi cho biết: “Điều tôi khát khao là xây dựng nền tảng cho nghệ sĩ trẻ. Bởi vì chúng ta vẫn còn những điều phải đúng thì vẫn chưa đúng. Hoặc những gì đúng ở đây thì chỉ được đúng ở đây chứ không được đúng ở nơi khác. Mà muốn phát triển thì nghệ sĩ trẻ cần có sân chơi công bằng hơn, tài năng sẽ được tôn vinh”. Còn nói về chiêu trò, Thanh Bùi bày tỏ: “Mình muốn xã hội thay đổi thì bản thân phải thay đổi. Mỗi ngày tôi đọc tin tức về lĩnh vực văn hóa giải trí trong nước, tôi không còn sốc nữa, vì quen quá rồi. Khi con người càng ngày càng “no” với mấy điều giật gân đó thì tự khắc sẽ phải tìm giá trị khác, đẹp hơn, chân thật hơn để hướng đến”.
Anh còn chia sẻ: “Tụi nhỏ bây giờ quá sung sướng, không cần lo thiếu ăn thiếu mặc. Còn thế hệ của chúng tôi thì vất vả hơn nhiều. Các nghệ sĩ hạng A hiện nay đã phải đi lên từ tay trắng. Chứ thế hệ của chúng tôi đâu dễ gì được học nghệ thuật, làm gì có trường”. Vì thế, anh cho rằng khi người Việt Nam có điều kiện, khi việc học âm nhạc nghệ thuật không còn là món xa xỉ của riêng người giàu nữa mà tất cả trẻ em đều có cơ hội được học hành bài bản về âm nhạc thì xã hội sẽ có sự thay đổi. “Nếu ước mơ đó trở thành sự thật, tôi tin chỉ sau một thế hệ, xã hội Việt Nam sẽ có sự phát triển mới”, nghệ sĩ Thanh Bùi nói lên khát khao nâng tầm Việt Nam qua âm nhạc nghệ thuật.
Hà Nhân
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/nghe-si-thanh-bui-va-khat-khao-nang-tam-viet-nam-qua-am-nhac-nghe-thuat-a5390.html