Đúng 8 giờ, ngày 8-10 tàu biển vận chuyển tàu metro số 1 là Bayani dài 120 m đã cập cảng Khánh Hội. Tuy nhiên, để đưa được tàu metro tiếp đất thì phải mất ít nhất 3 giờ đồng hồ.
Tàu chở metro số 1 bắt đầu cập cảng Khánh Hội.
Chuyên gia Nhật Bản đi theo tàu chở metro số 1 về Việt Nam.
Hơn 8 giờ sáng, các công nhân, thuyền viên bắt đầu quăng cáp, neo đậu thuyền.
Sau đó, khoảng 9 giờ, đội ngũ kỹ sư, công nhân bắt đầu mở lashing (dây chằng buộc hàng hóa cho kiện hàng tàu metro), quá trình này cũng mất rất nhiều thời gian.
Tiếp đến, công nhân mở nắp hầm và dùng cẩu tàu có chiều dài 32 m, sức nâng hơn 30 tấn để nâng hạ toa tàu xuống rơ-moóc của xe siêu trường, siêu trọng.
Hơn 9 giờ sáng những hình ảnh đầu tiên của tàu đã xuất hiện.
Một đoàn tàu 3 toa trong tổng số 17 đoàn tàu đã về nước.
Cảng Sài Gòn sử dụng những thiết bị chuyên dụng nhất để đưa tàu tiếp xe an toàn.
Tuy nhiên, phải tới 11 giờ toa tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 mới tiếp xuống rơ - moóc của xe siêu trường, siêu trọng.
Đến toa tàu thứ 2, thời gian xếp dỡ đã rút ngắn hơn, khoảng 1 giờ đồng hồ/toa.
Đây là toa tàu đầu tiên được cập bến.
Tàu metro có màu xanh dương là chủ đạo.
Công tác ràng buộc, cố định trên xe siêu trường, siêu trọng được thực hiện kỹ càng.
Gemadept là đơn vị vận chuyển tàu metro trên xe siêu trường, siêu trọng.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Tổng giám đốc cảng Sài Gòn, cho hay: “Chúng tôi đã tổ chức tiếp nhận, bốc xếp và bàn giao tàu từ chủ đầu tư. Mọi công tác kiểm dịch và bảo hộ được chúng tôi chú ý kỹ càng. Trong ngày hôm nay chúng tôi sẽ hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư tàu metro. Đây không phải lần đầu cảng đón các thiết bị lớn như vậy, song đây là một món hàng đặc biệt, một công trình lớn của TP nên mọi công đoạn phải chuẩn bị cẩn thận".
Sau khi các toa tàu cập bến, cảng Khánh Hội sẽ làm thủ tục thông quan. Dự kiến, 23 giờ ngày 9-10 đoàn tàu metro số 1 sẽ được xe siêu trường, siêu trọng vận chuyển về Depot Long Bình, quận 9.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có chiều dài 19,7 km, từ Bến Thành (quận 1) đến Depot Long Bình, quận 9. Tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng. Công trình có 14 nhà ga, bao gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. UBND TP.HCM đặt mục tiêu đưa dự án đạt 85% khối lượng công trình trong năm 2020 và đưa vào khai thác cuối năm 2021. Hiện toàn tuyến đạt gần 76% khối lượng. Theo MAUR, tiến độ toàn dự án đang được kiểm soát tốt. Tuyến metro số 1 có 17 đoàn tàu được sản xuất tại Nhật Bản. Giai đoạn đầu, MAUR sẽ nhận và vận hành loại tàu có 3 toa (dài 61,5 m). Với sức chở 930 khách (147 khách ngồi, 783 khách đứng), tàu có tốc độ tối đa khoảng 110 km/h khi đi trên cao và 80 km/h khi chạy ngầm. |
N. NHI - Đ.TRANG- KIÊN CƯỜNG
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/toan-canh-qua-trinh-boc-do-3-toa-tau-metro-so-1-a4630.html