Số phận của món đồ chơi Trung thu một thời hưng thịnh
Khi hỏi về công đoạn thực hiện lẵng thiên nga bông, cô chủ cửa hàng 83 Hàng Lược cho hay: “Cô không phải người làm ra. Nếu muốn biết kỹ hơn tìm đến gia đình bà Vũ Thị Thanh Tâm. Cả phố cổ này chỉ còn lại duy nhất gia đình bà ấy là gắn bó với nghề làm thiên nga bông”.
Cánh thiên nga được làm bằng xốp.
Theo hướng dẫn của người bán hàng, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ trên gác 3 ở phố Hàng Lược. Đến nơi, chúng tôi bắt gặp những dụng cụ, nguyên liệu làm lẵng thiên nga được cô Quách Thị Bắc (60 tuổi) - con dâu bà Tâm đang tỉ mẩn ngồi chuẩn bị. Cô Bắc cho hay: “Mẹ chồng tôi năm nay 91 tuổi, bà già yếu nên không còn làm nghề được nữa. Lâu lâu, nhớ nghề, thấy con dâu làm, bà cũng ngồi phụ gắn cái hoa vào lẵng”.
Theo lời kể của cô Bắc, từ khi về làm dâu, cô được mẹ chồng dạy cách làm thiên nga bông đến nay cũng theo nghề được 30 năm. Ngày ấy, cả dãy phố Hàng Lược, nhà nhà đều làm thiên nga bông bày bán nhưng đến nay chỉ còn lại duy nhất gia đình nhà bà Tâm là còn bám trụ với nghề.
Mỏ thiên nga được làm bằng giấy bóng kính đỏ cuốn lại.
“Cứ đến mùa Trung thu, mẹ con tôi lại bày một gian hàng nhỏ trên phố Hàng Lược bán. Xưa, cả nhà làm trước khi vào mùa cả tháng mới đủ hàng để bán. Đó là thời hưng thịnh nhất, tổng kết mỗi mùa phải đến nghìn lẵng thiên nga bông. Năm nay, tôi chắc chỉ làm trăm lẵng vì do dịch Covid-19 không tổ chức họp chợ trên phố Phùng Hưng, phố Hàng Mã. Tôi làm một ít bày bán ngay trên phố Hàng Lược và ai đặt thì làm, chứ không làm nhiều”, cô Bắc cho hay.
Hỏi cô Bắc về món đồ chơi Trung thu này có từ bao giờ, cô cho biết: “Theo lời mẹ chồng tôi kể lại, bà cũng không rõ nghề làm thiên nga bông có từ bao giờ. Bà chỉ nhớ, từ thời con gái, bà đã bắt đầu làm lẵng thiên nga. Thời điểm đó để làm một lẵng thiên nga bông, bà dùng giấy gấp lại làm thân, sau đó nhồi bông vào bên trong cho cứng. Cổ thiên nga được uốn bằng dây thép gắn vào thân thiên nga, sau đó dùng bông y tế phủ toàn bộ thân và cổ thiên nga rồi tiếp tục dùng nước hồ phết cho thân và cổ thiên nga mịn màng. Và đó là công đoạn khó nhất để làm nên một con thiên nga đẹp, bởi nếu bóc bông và phủ không khéo, bông sẽ rối hoặc xoắn, thiên nga sẽ không đẹp”.
Cô Quách Thị Bắc người tiếp nối theo nghề làm thiên nga bông.
Theo cô Bắc chia sẻ, trước đây, để có những đôi cánh thiên nga, hai mẹ con cô Bắc phải dùng bông bóc thành từng lớp mỏng, dàn đều ra rồi phết hồ, dán nhiều lớp bông vào với nhau, ép cho phẳng, sau đó, lấy miếng bông ép mỏng này cắt thành những đôi cánh của thiên nga. Để trang trí cho lẵng hoa thêm đẹp, cô dùng giấy gói oản, giấy pơluya trắng, nhuộm thành các màu xanh, đỏ, vàng, tím… rồi cắt và cuốn thành những bông hoa xinh xắn, tô điểm cho lẵng hoa. Bây giờ, làm thiên nga bông đã đơn giản hơn xưa. Giỏ đựng và các phụ kiện như giấy màu, giấy kim tuyến trang trí đã có bán sẵn, không phải tự làm. Cánh của thiên nga, cô “phát minh” ra dùng xốp dẻo thay thế, như vậy cánh thiên nga cứng và đẹp hơn trước nhiều.
“Để nói về thời gian hoàn thành một lẵng thiên nga thì không tính được vì tôi phải chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu trước đó cả tháng trời. Lẵng đặt trước, cánh thiên nga cắt sẵn, thân nhồi bông, làm sẵn các bông hoa… sau khi hoàn thành khâu chuẩn bị thì bắt đầu lên giàn. Với mỗi lẵng thiên nga nhỏ có giá 60.000 đồng/lẵng và 120.000 - 150.000 đồng/lẵng thiên nga to”, cô Bắc chia sẻ.
Bao nhiêu năm qua gia đình cô vẫn giữ nghề truyền thống trong khi các gia đình khác đã bỏ từ lâu. Điều gì đã khiến gia đình cô Bắc vẫn làm món đồ chơi Trung thu truyền thống bị “thất sủng” hiện nay? Khi thắc mắc điều đó, cô Bắc cho hay: “Trước đây, bà cụ làm để bán lấy tiền cải thiện cuộc sống cho gia đình. Tôi cũng phụ bà một tay, đến nay, bà sức khỏe yếu không làm được thì tôi tiếp nối gìn giữ cái nghề này. Bao nhiêu năm cứ đến mùa Trung thu là làm, giờ không làm lại thấy tiếc, thấy nhớ nghề. Dù cho chồng tôi năm nào cũng ngăn cản, rồi cả gia đình lại lưỡng lự làm hay thôi, nhưng rồi cuối cùng năm nào cũng làm. Làm một giỏ thiên nga bông mất rất nhiều công và mất nhiều thời gian mà thu nhập lại không được bao nhiêu. Nhiều lúc thấy mệt, thấy nản không muốn làm, nhưng nếu không làm lại thấy thiếu, thấy hụt hẫng. Nhiều khi nhìn ra đường tấp nập người đi chơi Trung thu lại thấy nhớ nghề, lại làm như một thói quen”.
Để làm một giỏ thiên nga bông, đòi hỏi ở người thợ sự tỉ mỉ, khéo léo cũng như phải bỏ ra nhiều công sức và thời gian.
Cô Bắc cho biết, mấy năm gần đây, khách hàng mua thiên nga bông của gia đình chủ yếu là các phường, các quận ở Hà Nội, các trường đặt để tổ chức Trung thu cho các cháu. Thỉnh thoảng cũng có khách tìm đến tận nhà mua một giỏ thiên nga bông về làm kỷ niệm để nhớ lại một thời đã qua.
Mấy năm gần đây, gia đình cô Bắc không chỉ bán trên phố Hàng Lược mà còn được ban Quản lý phố cổ mời tham gia hội chợ Trung thu trên phố cổ để giới thiệu đồ chơi truyền thống này với giới trẻ. “Bây giờ chỉ có tôi còn làm nghề, sau này nếu tôi không làm nữa, không biết nghề làm thiên nga bông này có còn ai giữ nữa không. Nếu thế hệ sau này mà không được biết đến những đồ chơi truyền thống như thiên nga bông, sẽ rất đáng tiếc”, cô Bắc trăn trở.
Giỏ đựng và các phụ kiện như giấy màu, giấy kim tuyến trang trí đã có bán sẵn, không phải tự làm.
Chia tay cô Bắc, bước ra khỏi căn nhà cũng là lúc phố phường đã lên đèn. Những món đồ chơi hiện đại nhấp nháy ánh đèn hay phát ra tiếng kêu được bày bán tràn ngập cả con phố Hàng Lược, thế nhưng, ở một góc khuất nhỏ những lẵng thiên nga bông trắng muốt với cái mỏ đỏ xinh xắn, nằm bồng bềnh dưới những cành hoa xanh, đỏ, hồng, tím, vàng rực rỡ được treo hay đặt trên những sạp hàng như một minh chứng dù xã hội biến đổi thế nào cái “hồn” Trung thu truyền thống vẫn sẽ được lưu giữ.
Phong Linh - Lê Nga