Hạt phù sa “khuyết”
Xã bãi ngang Nguyễn Việt Khái là xã vùng sâu vùng xa của huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Từ trung tâm TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau chạy dọc theo Quốc lộ 1A ngược về huyện Cái Nước, mất khoảng hơn một giờ đồng hồ để đến được cửa biển Gò Công. Để đến được nhà của ông Hồ Văn Bỉ, 63 tuổi - người dân xứ biển thường gọi là ông “Tư Mù”. PV phải lần theo con hẻm nhỏ thuộc khu tái định cư dành cho những gia đình nghèo người Khmer, nằm sát bên cửa biển Gò Công.
Theo chân Phó Trưởng ấp Gò Công Đặng Văn Út, PV tìm đến nhà, nhưng ông đã đi vắng. Nghe mấy đứa cháu báo tin có khách đến thăm, men theo con lộ bê tông trước nhà, với đôi chân thoăn thoắt chẳng mấy chốc ông Tư đã về đến nhà. Bên ly trà, chúng tôi quây quần ngồi nghe ông Tư kể về cuộc đời mình, và cả cuộc mưu sinh gắn liền với biển.
Ông Tư sinh ra trong một gia đình nghèo, khi có đến 9 anh chị em ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Nhớ về hoàn cảnh của mình, ông Tư bộc bạch: “Theo lời ba mẹ kể lại, lúc tôi lên 4 tuổi thì trải qua cơn bạo bệnh, đôi mắt mờ dần rồi không còn trông thấy gì nữa chứ không phải bị bệnh bẩm sinh”. Nhìn hoàn cảnh ấy, bà con trong xóm ai cũng nhìn tôi ái ngại, rồi đây cuộc đời thằng bé có lẽ chắc sẽ mãi tăm tối như đôi mắt nó.
“Thế nhưng, tôi lại không nghĩ thế, đời tôi tàn nhưng quyết không để phế được, tôi không thể làm gánh nặng cho gia đình”, ông Tư nói và cho biết, công việc đầu tiên mà ông Tư kiếm ra tiền từ lúc 15-16 tuổi là việc vót đũa thuê. Lớn hơn một chút, ngày nào ông Tư cũng theo cậu xuống sông, ra mé biển mò cá và làm bất cứ thứ gì có thể để kiếm sống. “Cuộc sống khó nhọc là thế, nhưng ông trời cũng bù đắp tôi nhiều lắm”, ông Tư chia sẻ.
Duyên “bèo nước gặp nhau” đưa đẩy ông “Tư mù” gặp người con gái tên Lê Thị Mỹ, mà cuộc đời cũng gắn liền với sông nước. Khi ấy, “Tư mù” đã 25 tuổi còn bà Mỹ thì nhỏ hơn ông đến 7 tuổi, cô gái mà hàng ngày vẫn chèo xuồng ba lá bán hàng rong trên sông. “Bả mồ côi từ nhỏ và sống nhờ nhà của người dì, chúng tôi đều nghèo rớt mồng tơi. Nhưng tôi lại thấy, le lói đâu đó trong cuộc đời mình đã có ánh sáng”, ông Tư cười hiền.
Nói về khoảng thời gian đầu gặp chồng, bà Mỹ kể tiếp lời chồng: “Lúc đó, tôi chèo xuồng đi bán với em chồng (em ruột ông Bỉ - PV), rồi chiều về đậu xuồng ở đó. Thấy chồng cũng giỏi, thêm phần cha mẹ tôi cũng mất sớm nên cũng muốn tìm một tấm chồng để nương tựa…”.
Phù sa rồi cũng sinh sôi!
Dòng đời đưa đẩy, hai “hạt phù sa” cứ thế gắn chặt vào nhau, nương tựa nhau sinh sống, cứ thế mà trôi dạt về đến tận cửa biển Gò Công xa xôi. Tại đây, hằng ngày, ông “Tư mù” ra ven sông mò sò huyết, mò cá ngát,..
Không họ hàng thân thuộc, cuộc sống của hai vợ chồng cứ thế tạm bợ qua ngày. May mắn, được chính quyền địa phương xét chọn cho một căn nhà để “che nắng, che mưa” trong khu tái định cư dành cho người dân tộc Khmer.
“Cuộc sống đã ổn định hơn, nhưng cái nghèo cứ đeo bám mãi. Có lần, trong lúc ngồi lai rai với anh em trong xóm, tôi nghe người những người ở đây đi biển thả lưới, giăng câu… thấy ham lắm nhưng ngặt nỗi đôi mắt không thấy đường, nên không ai dám cho đi biển cùng. Bởi, chẳng ai tin được một người mù có thể đi biển!”, ông Tư nhớ lại.
Cuối cùng, ông đành phải “đánh cược” với mấy người hàng xóm. Bởi chỉ có như thế ông mới được ra biển, sẽ có cá, có tôm về nuôi vợ, nuôi con. “Tôi mừng lắm, nhưng trong bụng cũng hơi lo. Tôi chỉ biết tự động viên bản thân là mình làm được!”, ông Tư nhấp ngụm trà rồi cười tươi kể tiếp, ngày ra biển, ông thức dậy thật sớm, tự mình tìm đường ra tàu cá. Sáng sớm, những người bạn chài ra tới đã thấy ông đứng trên mũi tàu, quay đầu ra phía biển, khiến họ cũng bất ngờ lắm. “Rồi ông trời lại một lần nữa thương tôi, chuyến đi đầu ấy thành công ngoài mong đợi…”, ông Tư tâm sự.
Từ đấy, ông Tư được anh em trong xóm chài giúp đỡ, họ cho đi nhờ xuồng ra biển, hôm nào được nhiều cá thì góp một phần xăng dầu cho chủ xuồng, nếu ít cá thì anh em cho luôn, mỗi ngày lênh đênh ngoài biển may mắn thì bán được hơn 100 ngàn, ngày ít thì cũng đủ cá ăn trong nhà. Cuộc sống gia đình ông cũng vì thế mà đỡ chật vật hơn.
Gần ba thập kỷ gắn liền cuộc đời với biển, ông Tư nói: “Khổ nhất là những lần biển động. Xuồng chở bốn, năm anh em ra cách bờ khoảng hơn 1km. Nước sâu ngang cổ, rồi mọi người đều tản ra để mò, giông gió kéo đến, người mắt sáng thì thấy trời kéo mây, mưa là lội lại xuồng. Còn ông phải để ý lắng tai nghe tiếng máy chạy, khi nào không còn nghe tiếng nổ của máy ông lại lớn tiếng gọi để anh em quay lại rước mình. Ông Tư tâm sự: “Mình mù mà xuống biển thì có biết phương hướng gì đâu, không như trên bờ có thể mò mẫm được. Giữa biển mênh mông nước, nếu anh em chạy lạc mình thì làm sao mà vào bờ?!”.
Sau ngần ấy năm trời, nguồn lợi thuỷ sản gần bờ giờ đây dần cạn kiệt, một số anh em bạn thuyền rồi bỏ nghề, đi tha hương cầu thực. Số còn lại thì không biết làm nghề gì ngoài bám biển mưu sinh, họ dần chuyển sang nghề mò ốc móng tay. Thế nhưng, với mọi người, việc thích ứng cái nghề mới chỉ trong “tích tắc”, còn đối với ông “Tư mù” là cả quá trình khổ cực rèn luyện.
Để theo kịp anh em trong xóm, ông Tư phải đầu tư bộ dụng cụ, nhưng nói dụng cụ cho sang chứ thật ra chỉ là một cây cào có cán bằng đước, đầu cào bằng thanh gỗ vuông, có hàng răng bằng sắt tròn, dài hơn sải tay người và một can nhựa được khoét lỗ. “Tôi nương xuôi theo dòng nước, để cán cào tì vào ngực, răng cào sát đáy biển, gặp mô nhô lên là nơi ốc móng tay đào hang. Dò tìm có hang, tôi lặn xuống mấy lần, có khi phải đào hang rộng ra, chui đầu vô, tìm mãi mới bắt được. Con ốc móng tay nghe tiếng động, chui sâu lắm”, ông Tư chia sẻ về bí quyết bắt ốc móng tay.
Thương chồng, bà Tư hàng ngày cũng đi làm thuê để phụ giúp ông Tư chăm lo cuộc sống cho cái gia đình nhỏ của mình. Bà Tư tự hào tâm sự: “Từ lúc còn con gái tôi đã biết, ổng tuy nghèo nhưng giàu nghị lực. Ổng chịu thương, chịu khó, việc gì người sáng mắt làm được là ổng làm được. Ngần ấy năm trời, ổng che sóng, che gió để cho mấy mẹ con có được cuộc sống êm đềm. Tui thương ổng cũng chỉ có vậy!”.
Trải qua một ngày sóng lênh đênh trên biển, chiều về, ông “Từ mù” trở về ngôi nhà nơi có vợ và 3 đứa con đang mong chờ. Cuộc sống êm đềm như vậy cứ trôi qua trọng lặng lẽ. Hiện giờ, 2 người con gái lớn đã có gia đình riêng và đi làm ăn xa. Những ngày không ra biển, ông Tư cũng không nghỉ ngơi mà làm thêm nghề vót đũa, làm cán búa… để kiếm thêm thu nhập.
Cảm phục trước nghị lực của ông Tư, ông Đặng Văn Út, Phó Trưởng ấp Gò Công vui vẻ kể, người dân ở đây ai cũng thương ông Tư, không chỉ bởi tính tình hiền hoà mà còn bởi cái nghị lực phi thường, ham học hỏi. “Ông Tư làm nhiều việc còn giỏi hơn người sáng mắt nữa, lợp nhà, gỡ xuồng cũ,...đều đẹp và gọn gàng. Gần như việc gì của người dân xứ biển này ông cũng làm được chỉ có cái là hơi chậm thôi vì ổng có thấy gì đâu, phải mò mẫm mà làm”, ông Út chia sẻ.
Những ngày tháng Tám, tiếng sóng ở cửa biển Gò Công, có lúc dữ dội nhưng cũng có lúc bình yên. Cứ vậy, ngày lại ngày trôi qua, ông Tư lại tiếp tục ra biển ngâm mình trong nước Gò Công, vật lộn với sóng biển để mưu sinh. Đó chỉ có thể là tình yêu biển, yêu thương gia đình bé nhỏ “độc” và “lạ” của mình.
V.T
Việt Tâm
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/bi-quyet-di-bien-cua-nguoi-dan-ong-mu-mot-doi-muu-sinh-noi-dong-bien-can-a3815.html