Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị bắt

Ngày 28/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP Hà Nội để điều tra về hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước...

Quyết định khởi tố được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đưa ra ngày 28/8", thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết.

VKSND Tối cao đã phê chuẩn quyết định tố tụng trên. Nhà chức trách đang thực thi lệnh khám xét chỗ ở của ông Chung tại phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội và nơi làm việc ở UBND Hà Nội.

17 ngày trước, ông Chung, 53 tuổi, bị Thủ tướng đình chỉ công tác. Những ngày qua, ông vẫn đi lại bằng xe công vụ và thường xuyên có mặt tại trụ sở UBND Hà Nội. Ông tươi cười đáp lại lời chào hỏi khi gặp các phóng viên tại đây.

Việc khởi tố ông Chung nhằm phục vụ điều tra vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước xảy ra khi điều tra vụ án Nhật Cường. Cuối tháng 7, ba nghi phạm đầu tiên của vụ án này đã bị khởi tố, bắt giam gồm: Nguyễn Hoàng Trung, lái xe của ông Chung; ông Nguyễn Anh Ngọc, 46 tuổi, Phó trưởng Phòng thư ký biên tập thuộc Văn phòng UBND Hà Nội và Phạm Quang Dũng, 37 tuổi, cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (C03, Bộ Công an).

Ông Chung còn bị điều tra trách nhiệm liên quan hai vụ án khác. Thứ nhất, vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiền; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường.

Ông Nguyễn Đức Chung trước khi bị bắt.

Đây là vụ án nhập lậu thiết bị điện tử quy mô lớn, giấu doanh thu hàng nghìn tỷ đồng. Từ khi khởi tố vào tháng 5/2019, nhà chức trách truy cứu trách nhiệm hình sự 28 người, trong đó có ông Nguyễn Văn Tứ, Chánh Văn phòng Thành ủy; bà Phạm Thị Thu Hường, Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Tiến Học, cựu phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư...

Vụ án thứ hai là Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại UBND Hà Nội và các đơn vị liên quan. Ngày 20/8, trong vụ án này, Bộ Công an đã tạm giam ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội với cáo buộc liên quan sai phạm mua độc quyền chế phẩm Redoxy-3C làm sạch sông, hồ.

Ông Chung tốt nghiệp Học viện Cảnh sát, là tiến sĩ luật, có hàng chục năm công tác tại Công an Hà Nội, từ lãnh đạo Đội Trọng án đến Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Phó giám đốc và Giám đốc Công an. 37 tuổi, ông được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang; 46 tuổi là thiếu tướng.

Cuối năm 2015, khi đang đứng đầu lực lượng công an thủ đô, ông được bầu làm Chủ tịch UBND Hà Nội nhiệm kỳ 2011-2016. Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố giữa năm 2016, ông tái đắc cử nhiệm kỳ 2016-2021 với số phiếu cao.

Trong nhiệm kỳ ông Chung làm Chủ tịch thành phố, Hà Nội trồng mới hơn một triệu cây xanh, đưa Giải đua xe công thức 1 về tổ chức trên địa bàn; mở không gian đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận; sắp xếp lại loa phường...

Với vai trò Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid 19 của Hà Nội, ông đưa ra một số biện pháp quyết liệt để khoanh vùng, dập dịch. Hà Nội từ chỗ là địa phương dẫn đầu cả nước về số ca mắc đã sớm được trở lại trạng thái bình thường mới và có 105 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng.

Tuy vậy, những năm qua Hà Nội tồn tại nhiều vấn đề chưa được giải quyết, thậm chí trầm trọng hơn như ô nhiễm không khí, ngập khi mưa lớn, tắc đường, việc cải tạo chất lượng nước các dòng sông nội đô chưa đạt kết quả, cải tạo chung cư cũ, còn một số quy hoạch các đô thị vệ tinh và phân khu chưa hoàn thành; khiếu kiện đất đai diễn biến phức tạp, trong đó có vụ việc tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức...

Theo VNE

Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/chu-tich-ha-noi-nguyen-duc-chung-bi-bat-a3693.html