Chuyện đời ngang trái của nhạc sĩ Huỳnh Thủ Hiếu, tay trống huyền thoại số một Đông Dương

Một ngày trôi qua chậm rãi khi chúng tôi được nghe, hồi tưởng về tay trống huyền thoại số một Đông Dương – nhạc sĩ Huỳnh Hiếu qua lời kể của con trai ông - nhạc sĩ Huỳnh Hữu Thạnh.

Một tài năng âm nhạc thiên phú được sinh ra trong nhà nòi sân khấu, trải qua nhiều trui rèn thì việc tỏa sáng chỉ là vấn đề thời gian. Trong giới ca nhạc của Sài Gòn trước năm 1975, tay trống mạnh mẽ, điêu luyện Huỳnh Hiếu giống như một biểu tượng.

Tay trống số một Đông Dương

Nhạc sĩ Huỳnh Thủ Hiếu (gọi tắt Huỳnh Hiếu, Huỳnh Háo) được giới ca nhạc của Sài Gòn trước năm 1975 gọi thân mật là Anh Hai. Ông sinh năm 1929 tại Cần Thơ trong gia đình có truyền thống nghệ thuật sân khấu. Cha mẹ của Huỳnh Hiếu, đôi nghệ sĩ Tư Chơi – Kim Thoa đều có tên tuổi trong làng sân khấu cải lương. Thêm nữa, đoàn Kim Thoa do cha mẹ của ông thành lập có hẳn một ban nhạc với toàn các nhạc sĩ Philippines tài năng. Cho nên, từ năm 8 tuổi, Huỳnh Hiếu đã được học ký âm pháp và đàn banjo với nhạc sĩ Bénito Cruz.

Nhạc sĩ Huỳnh Thủ Hiếu độc tấu trống tại vũ trường Đại Nam, Sài Gòn. (Ảnh: Tư liệu gia đình nghệ sĩ Huỳnh Thủ Hiếu).

Năm 1945, Huỳnh Hiếu theo đoàn Kim Thoa sang Nam Vang (Campuchia) lưu diễn. Khoảng thời gian biểu diễn ở đây, đoàn gặp nhiều bất lợi nên không có tiền trả lương cho nhân viên và lộ phí về nước. Lúc này, Huỳnh Hiếu gặp lại thầy cũ, nhạc sĩ Ringo, người truyền dạy bí quyết bộ môn đánh trống cho ông. Nhạc sĩ Ringo là tay trống số 1 của Sài Gòn thập niên 1940. Ông đề nghị Huỳnh Hiếu làm thế chỗ cho mình ở vũ trường tại Nam Vang. Nếu Huỳnh Hiếu nhận lời thì tiền hợp đồng sẽ đủ trang trải cho đoàn Kim Thoa về nước. Thế nên, nhạc sĩ Huỳnh Hiếu đồng ý ở lại biểu diễn, trả nợ cho cha mẹ.

Cũng trong thời gian này, ông có cơ hội rèn giũa tay nghề cùng các nhạc sĩ ngoại quốc đang làm việc ở Nam Vang. Năm 1946, Huỳnh Hiếu tham gia cuộc thi đánh trống dành cho các tay trống Đông Dương trong một cuộc đấu xảo. Trong cuộc thi này, Huỳnh Hiếu đạt danh hiệu Tay trống đệ nhất Đông Dương. Dẫu đạt được danh hiệu có uy tín nhưng ông vẫn phải cần mẫn học thêm. Lúc đó, ông nghèo đến nỗi không có tiền để mua giày mà phải đi guốc tầm vông. Mỗi khi đi làm, sợ mọi người nhìn thấy đôi guốc xấu xí, ông phải đi thật sớm.

“Hồi đó, ba tôi cũng không có tiền mua quần dài mà chỉ mặc độc một chiếc quần đùi. Ngày đi làm, ông đi thật sớm, leo lên dàn trống ngồi trước để người khác khỏi cười. Sáu tháng đầu làm việc, mỗi ngày, ba tôi đều bị chửi. Cho đến khi 6 tháng sau, ba tôi không còn bị chửi và ông nhạc trưởng người Pháp mới nói “bây giờ mày mới là nhạc sĩ”. Ba tôi kể, có lúc ông vừa ngồi đánh trống vừa chảy nước mắt”, nhạc sĩ Hữu Thạnh chia sẻ.

Sau đó, ông trở về Sài Gòn tham gia ban nhạc Nguyễn Văn Dung ở vũ trường Kim Sơn. Ông được các ban nhạc tranh nhau mời hợp tác biểu diễn. Ông còn được mời sang Bangkok (Thái Lan) năm 1955 để chơi trong ban nhạc George Meritan. Từ năm 1956, ông thành lập ban nhạc riêng chơi ở các vũ trường Tour D’Ivoire và Tabarin tại Sài Gòn. Huỳnh Hiếu luôn được ca ngợi trong giới biểu diễn ca nhạc trước năm 1975 ở Sài Gòn.

Nhạc sĩ Hữu Thạnh nhớ lại: “Ba tôi kể, thời đó, ông chủ xếp lương cho nhạc công tới 8 bậc khác nhau, trong đó nhạc công người Việt đứng hàng thứ 6, nhạc trưởng người Việt thứ 5, nhạc công người Phi thứ 4, nhạc trưởng người Phi thứ 3, nhạc công người Pháp thứ 2 và nhạc trưởng người Pháp thứ 1. Ba tôi là người Việt nhưng mức lương là bậc 1, ngang với nhạc trưởng người Pháp”.

Nặng lòng với một tình yêu ngang trái

Lần thứ hai sang Nam Vang, ông gặp được người con gái khiến bản thân nhung nhớ. “Lúc này, ba tôi thường đến nhà của cô gái này chơi, cha của cô là một quan chức trong triều đình Nam Vang. Trong dịp này, có thời điểm, ông dạy vua đất nước Nam Vang đánh trống. Ông ngỏ ý với gia đình về việc yêu thương cô gái nhưng bị người cha từ chối. Thất tình, ông thất thểu ôm khối tình vừa chớm nở về nước. Sau này, mẹ của cô gái giận chồng ngoại tình nên dắt díu các con về Sài Gòn và đến nhà ba tôi ở. Ba tôi chấp nhận chăm lo cho họ hết. Thấy vậy, bà mới gả con gái cho ba tôi. Oan trái thay, người được gả là em gái của người mà ba tôi thương”, nhạc sĩ Hữu Thạnh cho biết.

Hai cha con nghệ sĩ Huỳnh Thủ Hiếu và Huỳnh Hữu Thạnh trước một buổi diễn năm 1990. (Ảnh: Tư liệu gia đình nghệ sĩ Huỳnh Thủ Hiếu).

Dù không thương yêu, nhạc sĩ Huỳnh Hiếu vẫn sống trọn đạo vợ chồng. Thế nhưng, ông cắm cúi vào công việc, đi sớm về khuya, bỏ vợ thui thủi ở nhà. Thấy không có nhiều thời gian dành cho vợ, ông nói rằng: “Nếu em buồn quá thì đến nhà mấy dì chơi cho khuây khỏa”. Qua nhà mấy dì, vợ ông cùng các dì chơi bài tứ sắc. Trong lúc họ chơi, một nam sinh viên cứ đứng xem đánh bài. Thấy vợ nhạc sĩ Huỳnh Hiếu quá xinh đẹp, người này si mê.

“Má tôi đẹp lắm. Dù lúc ấy, má tôi đã có 5 người con nhưng bà vẫn rất đẹp. Sau cùng, má tôi bỏ ba, bỏ nhà theo anh sinh viên này. Đó có lẽ là lần đầu má tôi biết yêu. Đứng về phương diện tình yêu, tôi không bao giờ hờn trách má. Bỏ nhà theo anh sinh viên ấy khoảng 1 năm, má tôi quay trở về. Lúc này, ba tôi chưa yêu ai khác. Má tôi kể với tôi rằng: “Khi má về, nhà cửa, quần áo của má vẫn y nguyên như ngày má còn ở nhà. Dường như chưa có một chuyện gì xảy ra, không có khác biệt nhiều. Thấy như thế, má cảm động lắm”. Thế nhưng, oan nghiệt thay, má có bầu với người kia nên đành ngậm ngùi ra đi”, nhạc sĩ Hữu Thạnh nhớ lại.

Cũng theo lời kể của nhạc sĩ Hữu Thạnh: “Khi lớn lên, tôi thấy trong nhà có một bức tượng bằng gốm tạc đầu của một người phụ nữ màu nâu. Ba tôi nói, đó là hình ảnh của mẹ tôi. Ba tôi giữ bức tượng đó cho đến chết, rồi giao lại cho tôi. Tôi càng thương và nể phục ba tôi hơn. Ba tôi yêu cô chị của má tôi nhưng tình yêu ấy không thành. Khi được giới thiệu và gả cho cô em, ba tôi cũng yêu thương má tôi như tình yêu dành cho người chị của má”.

Nhạc sĩ Hữu Thạnh nhớ mãi cái ngày định mệnh cha ông nghe tin vợ bỏ nhà đi: “Hồi đó, nhà tôi ở quận 5, từ nhà đi đến vũ trường ở Đại Thế Giới khá xa. Ông thường đi làm bằng chiếc vespa nhưng hôm đó, ông lại đi bộ về nhà, vứt xe ở chỗ làm. Lúc ông về, túi xách chứa toàn dế. Hỏi ra mới biết, ông đi lang thang suốt đêm như thế bắt dế về cho tôi chơi. Thế nhưng, vừa về đến nhà, bà ngoại tôi nằm lăn ra khóc nói với ba tôi “vô đi con, vô đi con, vợ con nó bỏ đi rồi...”.

Dẫu bị vợ phản bội nhưng nhạc sĩ Huỳnh Hiếu vẫn yêu thương đến độ nhân từ. Ông nhân hậu, vị tha đối với tất cả người thân của vợ, vẫn cho họ ở trong nhà và chăm lo tử tế. Ở hiền gặp lành, người vợ sau của ông hết mực yêu thương chồng và con riêng của chồng. Bà tự nguyện không sinh con để giữ sự êm ấm cho gia đình.

Chuyện tình nào cũng vấp phải khó khăn

Nhạc sĩ Hữu Thạnh kể: “Chuyện tình cảm giữa ba tôi và dì Hà (vợ sau của nhạc sĩ Huỳnh Hiếu) cũng vấp phải sự phản đối của người thân dì Hà. Để chia cắt hai người, người thân của dì Hà thuê Tín Mã Nàm đánh ba tôi. Tuy nhiên, không ngờ rằng, Tín Mã Nàm lại thân quen với ba, gọi ông là anh Hai. Một hôm, tôi thấy ba trở về với khuôn mặt bị sưng tím, có máu. Lúc đó, tôi chưa hiểu chuyện gì xảy ra, bởi không ai dám đánh ba tôi. Sau này, khi tôi lớn lên, ông mới kể lại rằng, lúc Tín Mã Nàm gặp ba tôi theo “đơn đặt hàng” của người thân dì Hà, ông ấy nói với ba tôi: “Người ta mướn em đánh anh, dù không muốn nhưng chắc em phải xin phép anh Hai thôi”. Ba tôi nói: “Mày cứ làm đi, nếu không mày không có tiền xài”. Sau đó, ông ta đánh cho có lệ nhưng phải thấy máu. Sau khi đánh, Tín Mã Nàm còn lấy khăn tay của mình thấm máu trên mặt của ba tôi đem về cho “khách hàng” để chứng tỏ đã hoàn thành nhiệm vụ. Sau lần đó, người thân dì Hà “buông” không gắt gao với ba tôi nữa”.

NGỌC LÀI

Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/chuyen-doi-ngang-trai-cua-nhac-si-huynh-thu-hieu-tay-trong-huyen-thoai-so-mot-dong-duong-a3112.html