Bí ẩn 122 pho tượng đất nghìn năm tuổi tại chùa Nôm và những lần thoát “đại hồng thủy” kỳ lạ

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chùa Nôm vẫn giữ được vẻ đẹp trầm mặc, hoang sơ từ thuở xa xưa. Hữu duyên đưa bước chân dọc đường tác nghiệp, PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã tìm hiểu về ngôi chùa này và phát hiện nhiều điều thú vị. Trong đó, đáng kinh ngạc hơn cả là 122 pho tượng đất cổ ở nơi này đã “chiến thắng” bao trận hồng thuỷ “long trời lở đất”, cũng như mưa bom bão đạn chiến tranh để giữ trọn vẹn hồn cốt linh thiêng, cổ kính cho đến ngày hôm nay…

Ly kỳ truyền thuyết về ngôi chùa cổ

Vượt qua chặng đường dài, chúng tôi đến thăm chùa Nôm vào một buổi chiều giữa tháng 7. Ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ lớn, chùa Nôm hiện ra trước mắt chúng tôi.

Ngôi chùa tọa lạc ở làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên thuộc thiền phái Lâm Tế. Chùa Nôm được xây dựng từ thời hậu Lê, những nét cổ kính của ngôi chùa nghìn năm tuổi vẫn còn lưu giữ tới tận bây giờ.

Không gian thanh tịnh bên trong chùa Nôm

Điều đặc biệt nhất của chùa Nôm chính là 122 pho tượng cổ làm bằng đất sét. Dù đã trải qua bao nhiều biến động của của lịch sự đất nước, nhưng những pho tượng này vẫn còn nguyên vẹn. Ngoài 122 pho tượng đất, chùa Nôm còn có bệ tượng đồng cổ được phủ vàng "Cửu long Phật đản".

Vừa bước đến cổng, sư Thích Minh Đức hồn hậu chào khách, bằng sự cởi mở, và mang nét từ bi của nhà Phật, ông dẫn chúng tôi đi khám phá ngôi chùa cổ kính. Được biết Tam quan của chùa Nôm được xếp vào hạng to, cao nhất nhì Đông Nam Á.

Theo các văn tự chữ Hán thì ngôi chùa này được xây dựng từ thời Hậu Lê.

Trước đây, chùa Nôm được bao quanh bởi một khu rừng thông khá huyền bí, có lẽ vì vậy mà chùa còn có tên gọi khác là Linh Thông Cổ Tự, nghĩa là chùa thông cổ rất linh thiêng. Sau đó, người dân gọi là chùa Nôm do chùa gần với chợ Nôm.

Đến chùa Nôm, ta được chìm đắm trong không gian thanh tịnh và những làn gió mát từ sông Nguyệt Đức. Cái tên thật đẹp của dòng sông này cũng mang trong mình câu chuyện riêng. Vốn dĩ, dòng sông này có tên ban đầu là Thiên Đức, theo truyền thuyết trong một lần thánh Tam Giang về chùa Nôm vãn cảnh, khung cảnh nơi đây khiến ông nhớ đến người mẹ hiền đã qua đời. Dòng sông ấy làm ông khắc khoải về tình thương đong đầy của mẹ và rồi, ông đổi tên nó thành Nguyệt Đức.

Chùa Nôm không chỉ là nơi có phong cảnh hữu tình mà còn là nơi gắn liền với những câu chuyện truyền miệng mang màu huyền bí. Không ai biết chắc có hay không sức mạnh thần thánh nơi đây, nhưng nhiều người dân vẫn tin và cầu mong vào điều kỳ diệu mà nó mang lại.

Chùa được xây dựng lâu năm nên có lối kiến trúc rất cổ.

Các cụ kể rằng thời Pháp thuộc, chùa chiền nước ta bị thực dân Pháp tàn phá khốc liệt, chùa Nôm vì gần Hà Nội nên đây là khu vực trọng điểm bị chúng lăm le bắn phá. Khi đó, những chiến sĩ tham gia cách mạng cũng có lúc nương nhờ cửa Phật để hoạt động, bọn thực dân cũng thường xuyên đi càn quét. Chúng nhiều lần vào chùa Nôm định phục kích tại chỗ nhưng không thành. Vì một lý do nào đó mà các chiến sĩ Việt Minh luôn thoát càn một cách ngoạn mục. Sau những lần thoát hiểm ấy, người dân truyền tai nhau, với niềm tin nội tâm mạnh mẽ về sức mạnh của ý chí và tín ngưỡng, bên cạnh đó dù thực dân Pháp rất muốn những không thể “ra tay” phá huỷ ngôi chùa.

Sư thầy cũng cho hay, ngày trước chùa Dâu (Bắc Ninh) và chùa Nôm thuộc về một phủ gọi là Siêu Lai (Thuận An, Thuận Thành, Bắc Ninh). Điều đặc biệt ở chùa Nôm còn ở chỗ chùa vẫn giữ được gần như nguyên vẹn 122 pho tượng phật cổ, gần như nguyên bản. Theo chia sẻ của sư thầy, lần trùng tư sửa chữa gần đây nhất của các pho tượng là gần 500 năm (từ năm 1680).

Thoát hiểm kỳ lạ sau những trận “đại hồng thuỷ”

Theo sư thầy đi qua những cánh cửa nhỏ, chúng tôi được chiêm ngưỡng những kiệt tác độc đáo nhất của ngôi chùa, đó là những pho tượng đất sét với đủ các thế tượng từ những pho tượng trơ xương cho đến, uy nghi lẫm liệt, nét mặt từ bi lẫn quắc thước, uy dũng… hiện ra muôn hình muôn vẻ. Các pho tượng phật làm bằng đất, nằm rải rác khắp nơi với những kích cỡ khác nhau. Các bức tượng ở đây được khắc họa với những cử chỉ, nét biểu cảm trên khuôn mặt vô cùng sinh động, bao gồm Tam Thánh, Tam Thế, A Di Đà, Bát bộ Kim cương, Thập bát La hán... Có những pho tượng cao trên 3m nhưng cũng có những pho tượng to bằng nắm tay.

Riêng mỗi hành lang cũng có đến ngót 20 pho tượng lớn nhỏ, với những chủ đề khác nhau.

Sư thầy Thích Minh Đức cho biết, theo đánh giá của các nhà khoa học, với những nếp nhăn trên áo và một số đặc trưng khác trong tạo tác, một số bức tượng ở đây tiêu biểu cho nghệ thuật khắc tượng thế kỷ 18. Theo tương truyền, chất liệu làm tượng đất gồm có mật, giấy gió, đất sét. Những ngón tay làm bằng tre, gỗ, còn tà áo làm hoàn toàn bằng đất sét.

Trải qua bao trận “hồng thuỷ” lũ lụt, loạn lạc nhưng những pho tượng phật và nơi thờ tự không bị tàn phá mà vẫn còn nguyên vẹn. Ông Nguyễn Văn Hiếu (80 tuổi) - một bậc cao niên sinh ra và lớn lên ngay sát chùa kể lại: “Dân làng nơi đây ai cũng ngạc nhiên vì qua bao thế kỷ, 122 pho tượng vẫn còn nguyên vẹn, chưa phải tu sửa gì. Theo lời các cụ truyền tai nhau, chùa Nôm đã phải hứng chịu rất nhiều trận ngập lụt khủng khiếp.

Đầu tiên là phải kể đến trận lũ lụt năm 1945, do vỡ đê các con sông lớn nên nhiều địa phương ở miền Bắc bị nhấn chìm trong biển nước. Chùa Nôm bị nước ngập cho đến nóc chùa. Trận đại hồng thủy đó đi qua và để lại hậu quả vô cùng lớn, chẳng ai tin những pho tượng đất đó lại có thể tồn tại sau cả tháng ngâm trong nước phù sa. Thế nhưng, khi nước rút, ai cũng ngỡ ngàng, sửng sốt khi trông thấy các pho tượng đất vẫn còn y nguyên, vẫn sáng bóng sau khi rửa trôi lớp bùn.

Tiếp đó là những trận lụt lớn nhất vào năm 1971 và năm 1986, các pho tượng đất trong chùa Nôm tiếp tục bị ngâm mình trong nước nhiều ngày nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Theo tương truyền từ đời xưa, những pho tượng đất quý hiếm này được thần linh bảo vệ nên mới có đủ sức mạnh để vượt qua bao biến động của lịch sử”.

Các pho tượng mang khuôn mặt và hình dạng có sức biểu cảm cao, giống với các trạng thái

cảm xúc của con người.

Cho đến hiện tại, các nhà khoa học cũng chưa thể xác định chính xác những pho tượng này đã tồn tại bao nhiêu năm, người thì bảo vài trăm năm, người lại khẳng định đã có từ nghìn năm. Tuy nhiên, các pho tượng Thập bát La Hán ở hai dãy hành lang chùa Nôm được xác định là những pho tượng tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc khoảng thế kỷ từ 10-13. Như vậy, có thể những pho tượng đất này đã được các nghệ nhân tạo tác từ thời Lý- Trần, đã trên dưới 1.000 năm.

Khi được hỏi về việc tu sửa, bảo dưỡng các pho tượng cổ, sư thầy Thích Minh Đức chia sẻ: “Việc tu sửa tượng cổ cũng có thể so sánh giống như bôi trát một lớp mới đè lên khuôn mặt nhọ. Nếu các tượng cổ chưa đến mức xuống cấp nặng nề thì nhà chùa muốn lưu giữ những gì cổ kính và nguyên bản nhất.

Mỗi năm có hàng nghìn khách du lịch kể cả trong nước và những kiều bào nước ngoài đến chùa tham quan, đi lễ. Có những người “cầu được ước thấy” công danh sự nghiệp thăng tiến, gia đình hạnh phúc,… quay lại đáp lễ để tu sửa và mở rộng xung quanh chùa”.

Chia sẻ với PV ĐS&PL, ông Đào Mạnh Huân - Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên cho biết: “Chùa Nôm theo truyền thuyết đã có từ rất lâu. Chùa được trùng tu khoảng thế kỷ 16-17 và sửa chữa quy mô lớn nhất vào năm 1680. Các công trình kiến trúc của chùa Nôm gần như giữ được nguyên vẹn, đặc biệt là 122 pho tượng được bằng đất. Ngôi chùa này đã được bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bbộ VH,TT&DL) đã cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hoá vào ngày 12/2/1994. Hiện nay, chúng tôi đang tính đến chuyện đề nghị để cả khu vực Nôm, trong đó có chùa Nôm vào diện di tích quốc gia đặc biệt”.

 

Phương Ly - Đàm Linh

Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/bi-an-122-pho-tuong-dat-nghin-nam-tuoi-tai-chua-nom-va-nhung-lan-thoat-dai-hong-thuy-ky-la-a2937.html