Khi học sinh đổi nguyện vọng
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, ngoài các môn bắt buộc, học sinh lớp 10 được đăng ký học các môn tự chọn. Dù ngay từ đầu năm học, các trường đã tổ chức tư vấn, định hướng cho học sinh chọn các môn tự chọn nhưng sau đó không thể tránh khỏi tình trạng một số học sinh có xu hướng chuyển môn, chuyển cụm chuyên đề học. Tuy nhiên, việc này kéo theo phải chuyển lớp và khiến nhiều trường rơi vào lúng túng, khó khăn.
Nếu trước đây, việc chuyển lớp là bình thường và các trường sẽ sắp xếp lớp cho học sinh học phù hợp thì bây giờ, với chương trình giáo dục phổ thông mới, mỗi lớp có một tổ hợp khác nhau. Vì vậy, nếu xin chuyển lớp, học sinh vừa bị hổng kiến thức trong một học kỳ vừa gặp khó khăn khi lấy điểm tổng kết môn mà các em chưa được học.
Trao đổi với PV, ông Hồ Trọng Lộc, Hiệu trưởng Trường THPT thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước cho biết, nhà trường hiện có 10 lớp 10 nhưng đang giảng dạy đến 9 tổ hợp khác nhau, nghĩa là không lớp nào học giống lớp nào. Vì vậy, khi các em chuyển lớp sẽ có những môn các em chưa học và buộc phải bổ sung để có kiến thức cũng như phổ điểm.
Cũng tại Bình Phước, học sinh cũng gặp khó khăn tương tự khi chuyển trường. Bởi tùy điều kiện thực tế, mỗi trường tổ chức giảng dạy theo các tổ hợp khác nhau.
Hiện các trường đang bố trí theo hướng tổ hợp các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và một lớp theo khối D. Các trường ở khu vực vùng sâu, vùng xa do hạn chế về giáo viên cũng như số lượng học sinh sẽ có số tổ hợp ít hơn so với trường ở khu vực thành thị. Vì vậy, nếu học sinh chuyển trường sẽ phải thay đổi rất nhiều môn học.
Học kỳ vừa qua, Trường THCS&THPT Tân Tiến nhận 1 trường hợp học sinh lớp 10 từ TP. Hồ Chí Minh muốn chuyển về. Tuy nhiên, sau khi được tư vấn, giải thích, phụ huynh đã quyết định không chuyển trường cho con.
Ông Dương Thanh Viết, Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Tân Tiến, huyện Bù Đốp nhận định: “Học sinh học ở trường thành phố thông thường có nhiều lựa chọn, khi gia đình muốn đưa các em về trường địa phương thì hạn chế là không có nhiều tổ hợp để lựa chọn học. Trường phải phân tích cho phụ huynh biết những khó khăn này. Sau đó, trường tiếp tục tư vấn cho phụ huynh nắm và lựa chọn xem có cần thiết phải chuyển trường hay không”.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, khi chuyển khối, chuyển trường, ngoài bản cam kết tự bổ sung kiến thức của học sinh thì trường phải có giải pháp phù hợp bổ trợ kiến thức cho các em để đạt yêu cầu theo quy định. Nhưng việc tìm giải pháp phù hợp thì không dễ.
“Nếu có 1, 2 học sinh muốn chuyển đổi thì trường rất khó bố trí giáo viên. Hơn nữa, còn phải tổ chức kiểm tra, thi để các em bổ sung điểm cho những môn còn thiếu. Liệu các hình thức bổ sung điểm theo hướng linh hoạt có phù hợp quy định hay không?”, ông Viết băn khoăn.
Linh hoạt giải pháp hỗ trợ học sinh
Tại Tp.HCM, bà Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây , Tp.Thủ Đức cho biết, nếu học sinh có nhu cầu chuyển đổi tổ hợp môn học sau khi kết thúc năm lớp 10 thì sẽ được giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu tư vấn, tìm hiểu cụ thể tâm tư, nguyện vọng của học sinh và phụ huynh nhằm giúp các em đưa ra lựa chọn phù hợp. Đối với những trường hợp chuyển đổi môn học, trường sẽ xây dựng phương án bổ trợ kiến thức cho học sinh, vì khối lượng kiến thức cần bổ sung thêm khá lớn.
Tương tự, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 bày tỏ, bổ sung kiến thức cho những học sinh có nhu cầu chuyển đổi môn học là trách nhiệm của nhà trường, không thể đẩy hết cho phụ huynh và học sinh tự lo.
“Vì vậy, vào cuối năm lớp 10, nhà trường sẽ tiến hành rà soát, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của từng em. Học sinh nào có nhu cầu chuyển đổi môn học sẽ được tư vấn, nếu nguyện vọng chuyển đổi môn học là cần thiết thì nhà trường sẽ thực hiện bổ trợ kiến thức cho học sinh trong thời gian hè”, ông Phú nói.
Học sinh được lựa chọn môn học đồng nghĩa với trao quyền chủ động cho học sinh cũng như nhà trường. Nhưng với thực tế mà các trường đang gặp, quyền chủ động đã trở thành bị động. Vấn đề này đang rất cần những giải pháp tháo gỡ cụ thể để vừa thuận lợi cho các trường trong quá trình thực hiện mà vẫn đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện học tập dễ dàng cho học sinh.
Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có Công văn 68/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn nhà trường thực hiện chuyển trường, đổi tổ hợp môn theo nguyện vọng của học sinh, nhưng theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục ở địa phương, hướng dẫn này vẫn còn rất chung chung.
Cụ thể, công văn số 68 có trao quyền “hiệu trưởng xem xét, quyết định cho học sinh đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề, học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường”. Thế nhưng lại không có hướng dẫn rõ là quyền hạn của hiệu trưởng đến đâu, cụ thể triển khai thế nào. Điều này khiến nhà trường rối bời, dẫn đến tình trạng mỗi trường, mỗi địa phương sẽ thực hiện một kiểu, cuối cùng học sinh sẽ là người chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Cuối tháng 4/2023, trả lời báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho hay, các nhà trường không có trách nhiệm phải tổ chức lớp để dạy lại kiến thức lớp 10 cho học sinh muốn đổi môn lựa chọn mà các em phải tự học.
“Nếu môn học mới học sinh muốn chuyển đến là môn học yêu thích, theo sở trường, hứng thú của bản thân thì việc tự học môn học này của học sinh có sự chủ động cao. Việc tự học, bù đắp kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học ở lớp dưới còn được tiếp tục trong quá trình học môn học đó ở lớp trên để bảo đảm học sinh có đủ năng lực học tiếp những nội dung ở lớp trên có liên quan trực tiếp đến nội dung đã học ở lớp dưới.
Nhà trường có giải pháp phù hợp để động viên, khuyến khích học sinh chủ động hỏi các thầy, cô dạy môn học đó để được hướng dẫn, giúp đỡ. Tôi tin rằng, sẽ không có giáo viên nào từ chối hỗ trợ học sinh trong trường hợp như vậy”, ông Thành khẳng định.
Lê Mai
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/lung-tung-doi-to-hop-mon-hoc-hoc-sinh-chuong-trinh-moi-phai-lam-gi-a22448.html