Đua nhau rao bán, sang nhượng
Ghi nhận của PV giữa tháng 4/2023, những tuyến đường được xem là “đất vàng” của ngành kinh doanh khách sạn ở Tp.HCM như: Bùi Thị Xuân, Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Thái Văn Lung, Nguyễn Trung Trực… có nhiều khách sạn đang treo biển cho thuê hay bán.
Trên đường Lý Tự Trọng, quận 1 có hàng loạt khách sạn 2 - 3 sao đăng thông tin cho thuê. Theo khảo sát, mức giá các nhân viên môi giới đưa ra là khoảng 200 triệu đồng/tháng. Các khách sạn này đã đóng cửa kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và đến nay vẫn chưa có chủ mới.
Khách sạn Anpha Boutique, đường Lê Thánh Tôn, quận 1 đã đóng cửa và dán bảng cho thuê nhiều tháng nay.
Trao đổi với PV, một người xưng là chủ nhà nói muốn cho thuê với giá 18.000 USD/tháng và còn có thể thương lượng. Người này nói rằng, khách sạn có 21 phòng, cơ sở vật chất còn mới nên rất thuận tiện cho việc kinh doanh.
Trong khi đó, Amore Saigon Hotel nằm trên đường Nguyễn Trãi, quận 1 cửa đóng then cài đã lâu với chi chít tấm biển cho thuê hoặc sang nhượng.
Khi được liên hệ, môi giới báo chủ nhà đổi ý không bán mà chỉ cho thuê. Giá thuê cố định, không thương lượng thêm với khách sạn 15 phòng này là 7.000 USD. Nếu chỉ thuê phần tầng trệt để kinh doanh, giá thuê là 4.000 USD.
Còn khách sạn Hạ Vy trên đường Đỗ Quang Đẩu, quận 1 cách trục chính đường Bùi Viện chỉ vài bước chân rao bán đã 2 năm qua nhưng chưa ai “chốt”. Khách sạn này đang được rao bán với giá gần 100 tỷ đồng.
Trên đường Lê Thị Riêng, quận 1. khách sạn của một hệ thống hạng trung rao bán 315 tỷ đồng với 10 tầng lầu, rộng 400m2. Khách sạn ngay góc Lý Tự Trọng - Lê Anh Xuân, quận 1 có 50 phòng được rao bán 420 tỷ đồng.
Một khách sạn 4 sao Lavender, quận 1 từng rất đông khách nhờ vị trí ngay giao lộ Lý Tự Trọng - Trương Định cũng đã đóng cửa sau đợt dịch Covid-19.
Hiện tại, nơi này đang được sửa chữa, cải tạo để làm cao ốc văn phòng. Nhiều khách sạn khác trên trục đường Lê Lai, quận 1 đối diện công viên 23/9 và gần nhà ga Metro cũng được thay đổi công năng, chuyển thành văn phòng cho thuê.
Trên các sàn giao dịch bất động sản trực tuyến, chưa khi nào thông tin bán khách sạn ở quận 1 lại nhiều như lúc này. Hàng loạt khách sạn trên những tuyến đường từng thu hút đông đảo du khách nước ngoài đang được rao bán.
Ông Hoàng Kim Hoài, Tổng giám đốc Phúc Điền Land cho biết, trước dịch Covid-19, tìm mua khách sạn ở khu vực trung tâm quận 1 không dễ vì đang kinh doanh tốt. Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái đến nay, tình trạng rao bán khách sạn đã tăng đột biến vì vắng du khách quốc tế.
Theo nhận định từ sàn giao dịch Nhà Tốt, số lượng tin đăng rao bán khách sạn bắt đầu ghi nhận xu hướng tăng từ quý III/2022 đến nay. Nguyên nhân chính là tình hình kinh doanh ảm đạm của ngành du lịch nói chung và khách sạn nói riêng.
Thách thức không nhỏ của ngành khách sạn
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM cho biết, trên địa bàn Thành phố này, hệ thống khách sạn quy mô vừa và nhỏ hạn chế về nguồn khách quốc tế nên chưa kịp phục hồi.
Trong khi đó, nguồn lực nhân sự chất lượng cao chuyển sang nghề khác và không có xu hướng trở lại. Chưa kể đến cơ sở vật chất đang xuống cấp cần duy tu, đặc biệt khách sạn chưa đáp ứng tiêu chí kinh doanh lưu trú theo quy định của Luật Du lịch.
Vì vậy, Tp.HCM xuất hiện nhiều khách sạn đóng cửa kinh doanh hoặc thay đổi loại hình kinh doanh để bám trụ.
Đề cập đến những khó khăn trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Thúy Loan, đại diện cho đơn vị khách sạn A25 cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của các khách sạn. Cụ thể, trong 3 năm dịch bệnh, A25 đã đóng cửa ít nhất 2 năm.
“Mở cửa trở lại khoảng 1 năm trở lại đây, hệ thống của chúng tôi cơ sở vật chất bị xuống cấp theo thời gian, doanh thu sụt giảm trong khi các chi phí điện nước, vốn vay nhà nước chỉ hỗ trợ trong thời gian dịch nặng nề nhất. Tiền nhà cũng chỉ hỗ trợ ở mức cho phép, lương nhân viên trả ngày càng cao nên các nguồn vốn nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất hầu như không còn”, bà Loan nêu.
Trước thực trạng đó, bà Nguyễn Thị Thúy Loan đề xuất, cơ quan Nhà nước có chính sách giảm khung giá điện kinh doanh dịch vụ lưu trú bằng với khung giá điện sản xuất trong vòng 3 năm để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khủng hoảng.
Hiện nay, giá bán điện ở khung kinh doanh dịch vụ là cao nhất trong các khung giá. Bên cạnh đó, kiến nghị giảm giá nước sinh hoạt và chi phí internet cho ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú.
Đồng quan điểm, đại diện Phòng Văn hóa thông tin quận 1 cho biết, dịch bệnh Covid-19 kéo dài dẫn đến nhiều nhân sự của các cơ sở lưu trú du lịch đã chuyển ngành nghề, về quê không trở lại… dẫn đến hiện nay hầu hết các cơ sở lưu trú du lịch đang thiếu hụt nhân sự nhất là nguồn lực có kinh nghiệm chuyên môn và chất lượng cao.
Các cơ sở lưu trú du lịch có cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, trong khi lãi suất ngân hàng tăng và ngân hàng siết cho vay… dẫn đến thiếu ngân sách đầu tư sửa chữa, thay mới.
Ngoài ra, hiện nay có nhiều cơ sở lưu trú du lịch gặp những khó khăn nhất định về thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy do cơ sở xuống cấp, không đáp ứng các tiêu chí về điều kiện phòng cháy nhất là các cơ sở lưu trú du lịch vừa và nhỏ xây dựng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực.
Bài toán doanh thu khi mở cửa du lịch
Bình luận về thực trạng này, TS.Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DGCapital nhận định, nhiều khách sạn rao bán nhưng đơn đặt mua hầu như không có. Nguyên nhân nghẽn giao dịch khách sạn chủ yếu là giá tài sản quá cao. Dù có những quảng cáo là giảm 5% hoặc sẵn sàng thương lượng giảm giá thêm nhưng các khách sạn đang ra giá cao ngất ngưởng, trong bối cảnh thị trường du lịch chưa hoàn toàn hồi phục.
“Năm 2022, du khách nước ngoài đến Việt Nam chỉ xấp xỉ 3,5 triệu khách, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu ngành du lịch đặt ra là 5 triệu khách quốc tế. Theo trang VisaGuide.World, tỷ lệ phục hồi khách du lịch quốc tế của Việt Nam chỉ đạt 18,1%, trong khi các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Campuchia đạt tỷ lệ từ 26 - 31%”, ông Phương chỉ ra.
Đến đầu năm 2023, dù kinh tế tiếp tục phục hồi, du lịch có những điểm sáng mới, nhất là trong việc đón khách quốc tế nhưng theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, khó khăn vẫn đang còn ở trước mắt khiến làn sóng rao bán, cho thuê khách sạn vẫn tiếp diễn.
Lê Ngọc
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/tphcm-lan-song-rao-ban-cho-thue-khach-san-vi-vang-du-khach-quoc-te-a16992.html