Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho tập thể Nhà hát Kịch Việt Nam và cá nhân Giám đốc Nhà hát, NSƯT Xuân Bắc.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL ghi nhận và chúc mừng những thành tựu của Nhà hát trong 70 năm qua. Bộ trưởng cho rằng, các nghệ sĩ của Nhà hát có quyền vinh dự và tự hào nhìn lại 70 năm về trước, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn luôn đoàn kết, lao động hăng say trên cánh đồng nghệ thuật.
Bên cạnh đó, Nhà hát đã thiết lập và thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác, trao đổi nghệ thuật kịch nói với gần 20 nước trên thế giới, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, quảng bá vẻ đẹp của đất nước, con người, văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
"Từ cánh đồng nghệ thuật, từ môi trường Nhà hát đã góp phần đào luyện ra nhiều thế hệ nghệ sĩ thành danh, được công chúng mến mộ, và trở thành những hạt nhân cho nhiều nền nghệ thuật khác của nước nhà.
Những đóng góp của Nhà hát Kịch Việt Nam trong công cuộc kháng chiến của dân tộc cũng như trong quá trình đổi mới, xây dựng đất nước ngày nay đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao phần thưởng cao quý, xứng đáng với vai trò là "cánh chim đầu đàn" của sân khấu cách mạng Việt Nam, "anh cả đỏ" của sân khấu kịch nói Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL cũng mong rằng, các cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục lao động sáng tạo, dàn dựng nhiều vở diễn đa dạng về mặt hình thức, đặc sắc về mặt nội dung để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Phấn đấu xây dựng Nhà hát trở thành một đơn vị nghệ thuật mẫu mực để cùng với các đơn vị nghệ thuật trong cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Tiếp đó, NSƯT Nguyễn Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ rằng, Nhà hát được thành lập tháng 12/1952, tại chiến khu Việt Bắc. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, với những tên gọi khác nhau, tiền thân là Đội kịch thoại thuộc Đoàn văn công nhân dân Trung ương, sau đó là Nhà hát Kịch Trung ương và nay là Nhà hát Kịch Việt Nam.
Theo Lịch sử ra đời và phát triển của Nhà hát Kịch Việt Nam gắn liền với sự phát triển của nghệ thuật sân khấu cách mạng Việt Nam và trưởng thành cùng lịch sử phát triển của đất nước. Trong thời chiến, Nhà hát đã tham gia góp công sức vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong thời bình, những vở diễn của Nhà hát đã phản ánh những vấn đề nóng của xã hội theo đúng tư tưởng và sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
"Trải qua chặng đường 70 năm, Nhà hát Kịch Việt Nam đã dàn dựng hàng trăm vở diễn, trong đó có nhiều vở giành Huy chương Vàng, Huy chương Bạc tại các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu trong nước và quốc tế… Chúng tôi quan niệm việc cung cấp những vở diễn hay, chất lượng là trách nhiệm đầu tiên để có thể "đỏ đèn" và mỗi đêm diễn là sự sống còn của nhà hát", Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam khẳng định.
Theo NSƯT Xuân Bắc, Nhà hát Kịch Việt Nam đã sinh ra nhiều thế hệ tài năng không chỉ của nền sân khấu mà còn là những ngôi sao sáng ở nhiều lĩnh vực sáng tạo, biểu diễn: Điện ảnh và truyền hình như: NSND Thế Lữ, NSND Song Kim, NSND Đào Mộng Long, NSND Trúc Quỳnh, NSND Đình Nghi, NSND Đình Quang, NSND Trọng Khôi, NSND Thế Anh, NSND Đoàn Dũng, NSND Doãn Hoàng Giang, và gần đây nhất là các thế hệ nghệ sĩ như: NSND Lan Hương, NSND Trung Anh, NSND Anh Tú, NSND Lệ Ngọc, NSND Việt Thắng, NSƯT Quốc Khánh, NSƯT Phú Đôn…
Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, đến nay Nhà hát Kịch Việt Nam có hơn 20 thế hệ diễn viên kế tiếp nhau với 28 NSND và 61 NSƯT. Nhà hát Kịch Việt Nam thực sự là cái nôi của nền nghệ thuật kịch nói Việt Nam, tự hào là "cánh chim đầu đàn", là "anh cả đỏ" của nền nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam.
Người đứng đầu Nhà hát cũng chia sẻ nhiều hoạt động của nhà hát hiện nay: "Ban Giám đốc khuyến khích các nghệ sĩ không chỉ tham gia biểu diễn trên sân khấu của Nhà hát mà còn tạo điều kiện để giúp họ xây dựng thương hiệu cho từng người trên các lĩnh vực khác như phim truyền hình, điện ảnh, các game show, các sự kiện văn hóa nghệ thuật.
Bên cạnh đó, Nhà hát đang đẩy mạnh các hoạt động marketing, xúc tiến để quảng bá thương hiệu và tác phẩm đến với công chúng bằng nhiều hình thức, như trên các trang web, các trang thương mại điện tử và mạng xã hội để kịch nói đến gần với khán giả hơn.
Hiện tại, nhà hát đã tiến hành số hóa, có mã code QR thuận tiện cho khán giả truy cập thông tin về các chương trình mới nhất và sẽ tiến hành bán vé điện tử để khán giả có kế hoạch xếp lịch thưởng thức...".
Lạc Thành
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/tang-huan-chuong-lao-dong-hang-ba-cho-nha-hat-kich-viet-nam-a13424.html