Nỗi lo chất lượng thực phẩm
Ngày 18/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị Đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam tại Tp.HCM.
Báo cáo đề dẫn, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ NN&PTNT cho biết: “Trong khi thế giới đang đối mặt với thiên tai cực đoan, dịch bệnh thì Việt Nam vẫn đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân và có dư một lượng lớn để xuất khẩu”.
Trong đó, tỉ lệ vi phạm an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao so với các quốc gia phát triển. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nhỏ, chất lượng không ổn định, thiếu minh bạch…
Các tồn tại còn có nguyên nhân từ chính sách, pháp lý chưa đầy đủ và chưa phù hợp với thực tiễn cũng như hệ thống giám sát, thanh kiểm tra chưa hiệu quả, chặt chẽ.
Cũng theo ông Tiệp, để tăng cường chất lượng thực phẩm cho người Việt, cần giải quyết tổ chức liên kết sản xuất với tiêu thụ, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm. Trong đó, xác định khâu trọng yếu của chuỗi là các trang trại, hợp tác xã đến các chợ đầu mối và nhà bán lẻ lớn. Cần phải chuẩn hóa những khâu trọng yếu này và minh bạch chia sẻ thông tin giữa các bên để cùng nhau giám sát đường đi của thực phẩm.
Tham gia ý kiến, đại diện nhiều hiệp hội ngành hàng và các chuyên gia cho rằng, an toàn thực phẩm nội địa vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp và chưa được quản lý tốt. Có nhiều trường hợp, nhà sản xuất còn tâm lý và tư duy đối phó với các loại giấy tờ thủ tục mà chưa thật tâm đầu tư vào chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng vẫn thích hàng giá rẻ, tiện lợi ở các chợ dân sinh, chợ tự phát và trôi nổi thay vì các kênh phân phối uy tín…
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam vẫn đang đối diện nỗi lo dư lượng. Đơn giản như cọng hành lá dùng làm gia vị trong gói mì tôm cũng không dễ đáp ứng yêu cầu của khách hàng nước ngoài.
“Điều đáng lo là tư duy sản xuất, kinh doanh ở nhiều cá nhân, tổ chức vẫn còn đang nặng tính đối phó. Nhiều người chưa thực sự ý thức làm chuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm, tiến tới xuất khẩu", bà Hạnh nói.
Còn bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch cho rằng, đang có sự bất hợp lý khi kêu gọi nông dân sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, thị trường đôi khi không chấp nhận sản phẩm VietGAP do nông dân làm ra, nghĩa là tiêu chuẩn chưa gắn với thị trường.
“Thời gian gần đây và thậm chí là rất lâu trước kia, lại có những hành vi gian dối, đội lốt nhãn mác VietGAP để đưa hàng vào siêu thị, đánh lừa người tiêu dùng. Việc này gây thiệt hại ngược lại cho những nông dân làm VietGAP chân chính, gây mất lòng tin của người tiêu dùng và xã hội”, bà Minh dẫn chứng.
Trách nhiệm không thể nói suông
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã chỉ ra những nỗi lo cho ngành nông nghiệp Việt Nam khi tư duy mua - bán, "tiền trao cháo múc” hiện nay trong nông nghiệp cần chuyển sang tư duy hợp tác, đi cùng nhau.
Ông Hoan lấy ví dụ, việc Saigon Co.op dừng hợp tác với nhà sản xuất, loại bỏ khỏi chuỗi phân phối khi hàng không đảm bảo chất lượng. Việc đó là đúng bởi siêu thị không thể tiêu thụ hàng gian, hàng kém chất lượng. Phân tích kỹ có thể thấy, Saigon Co.op không mua hàng của nhà sản xuất này thì có thể mua của nhà sản xuất khác. Tuy nhiên, một siêu thị nào đó lại có thể mua phải hàng kém chất lượng trên.
"Việc cần làm ở đây là thay đổi tư duy sản xuất cho người nông dân, không chỉ trong mùa vụ này mà dần dần thay đổi cả tập quán canh tác. Từ đó, sản phẩm dần đảm bảo chất lượng. Doanh nghiệp luôn có điều kiện hơn người nông dân, cần đồng hành cùng người nông dân", vị tư lệnh ngành nông nghiệp nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan còn nêu thực tế, khi đụng phải một vấn đề nào đó được dư luận quan tâm, chỉ vài ngày sau trên đường phố sẽ xuất hiện các khẩu hiệu, như “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”; “Chung tay vì an toàn thực phẩm” hay “An toàn thực phẩm là sinh mạng của thế hệ tương lai”...
Tuy nhiên, ông Hoan lưu ý, không nên tư duy khẩu hiệu nữa mà “quan trọng là làm sao để vấn đề an toàn thực phẩm phải đi vào trong tâm thức hàng ngày của mỗi người”.
Từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp đến người sản xuất đang nhìn chuỗi giá trị bằng các lợi ích hữu hình mà quên đi những giá trị vô hình.
Đạo đức là điều đánh động, lay động thực tế chứ không phải những lời rao giảng. Vì sức khỏe đồng bào, các doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau, bớt đi những đồng lợi nhuận.
Cùng với đó, các cơ quan, trong đó có Bộ NN&PTNT với những thể chế, quy định, những nghị định, quy hoạch, đề án,... nhiều khi còn nằm ở tầng trên, trong khi tầng dưới là những bà con nông dân. Khi giao dịch diễn ra hàng ngày thì bất cứ lúc nào rủi ro cũng có thể xảy ra, bởi nền nông nghiệp Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ.
“Như chợ đầu mối Bình Điền, mỗi buổi sáng có gần 20.000 người đến giao dịch hàng hóa thì làm sao có lực lượng chức năng nào kiểm soát nổi. Vậy vấn đề là phải đi từ khâu sản xuất, phải tổ chức được mạng lưới liên kết và hợp tác cũng như kiểm soát lẫn nhau”, ông Hoan chỉ ra.
Nhiều người và thậm chí các cơ quan quản lý nhà nước cũng có tâm lý “xem xem cái đó có phải trách nhiệm được phân công hay không”. Do đó, Bộ trưởng cho rằng “chúng ta phải cùng nhau làm vì trách nhiệm đối với chính bản thân và con em chúng ta”.
“Nhà sản xuất cũng phải có trách nhiệm với sản phẩm hàng hóa và uy tín, danh dự của của mình. Không nên xem các chứng nhận an toàn thực phẩm là giấy thông hành để lọt qua cửa nọ cửa kia mà phải làm ra sản phẩm vì sức khỏe và tạo niềm tin cho xã hội”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Trung Quân
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/tu-lenh-nganh-nong-nghiep-chi-ra-trach-nhiem-voi-an-toan-thuc-pham-a12913.html