Tp.HCM: Người dân xã đảo sắp hết cảnh "có giấy tờ đất cũng như không"

Những vấn đề bất cập trong quy hoạch ảnh hưởng đến đời sống người dân xã đảo Thạnh An đang được chính quyền Tp.HCM thúc đẩy giải quyết.

Nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc

Ngày 5/10, Văn phòng UBND Tp.HCM truyền đạt chỉ đạo của Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mai về việc chỉ đạo các sở, ngành và UBND huyện Cần Giờ những vấn đề liên quan đến vướng mắc ranh rừng phòng hộ.

Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị rà soát, tham mưu thủ tục pháp lý nhằm đưa toàn bộ diện tích Cù lao Phú Lợi ra khỏi ranh giới rừng phòng hộ.

Theo hồ sơ, Cù lao Phú Lợi là trung tâm hành chính của xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, Tp.HCM. Cù lao này có tổng diện tích hơn 48ha nhưng có tới gần 31ha là đất rừng phòng hộ và cũng là rừng ngập mặn tự nhiên.

Khu dân cư tại Cù lao Phú Lợi được hình thành từ trước năm 1975 và đến nay có 1.017 hộ dân với hơn 4.000 nhân khẩu sinh sống, trong đó có 807 hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong số gần 31ha đất rừng, Cù lao Phú Lợi có khoảng 3,5ha đất rừng xen cài trong khu dân cư trung tâm. Hơn 27ha rừng còn lại nằm ở phía Nam và phía Tây của Cù lao Phú Lợi, không có người sinh sống.

Sự kiện - Tp.HCM: Người dân xã đảo sắp hết cảnh 'có giấy tờ đất cũng như không'

UBND Tp.HCM vừa chỉ đạo rà soát để chuẩn bị đưa toàn bộ Cù lao Phú Lợi ra khỏi ranh rừng phòng hộ.

Trước đó, tại kỳ họp HĐND Tp.HCM diễn ra tháng 7/2022, bà Đoàn Thị Ngọc Cẩm, Phó Bí thư Huyện ủy, đại biểu HĐND huyện Cần Giờ nêu thực trạng về sự chồng chéo ranh rừng phòng hộ giữa các bên liên quan. Cụ thể, ranh rừng phòng hộ tại Cù lao Phú Lợi đang không đồng nhất trong quy định giữa Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cù lao này bao gồm toàn bộ xã đảo Thạnh An, các cơ quan hành chính, quân sự, trường học. Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc, khu vực này không nằm trong ranh rừng phòng hộ. Tuy nhiên, nơi này thuộc phạm vi quản lý rừng theo các cơ sở pháp lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

"Bà con tại xã Thạnh An cầm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong tay cũng không làm gì được, kể cả xin phép sửa chữa, xây dựng, mua bán, tặng, cho. Nguyên nhân là vẫn vướng ranh rừng phòng hộ", bà Đoàn Thị Ngọc Cẩm thông tin.

Đại biểu của huyện Cần Giờ phân tích thêm, người dân đã tới sinh sống tại Cù lao Phú Lợi từ trước năm 1975, sớm hơn thời điểm chính quyền vẽ ranh rừng phòng hộ. Bà cho rằng, nếu pháp lý còn vấn đề, cơ quan có thẩm quyền cần "nhận sai để người dân đỡ khổ".

Cần sự phối hợp đồng bộ

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạnh An cho biết, người dân xã đảo sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản hoặc làm muối.

Sau khi được Tp.HCM đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng thì ai cũng mong muốn có được quỹ đất để phát triển du lịch, nâng cao chất lượng cuộc sống nhưng hiện nay đang vướng vào ranh rừng phòng hộ.

"Dần về sau này nguồn thu từ việc đánh bắt hải sản cũng không còn được như trước đây, nên trong đề án phát triển xã giai đoạn này, lãnh đạo xã muốn hướng đến việc phát triển du lịch, giải quyết lao động tại chỗ nhưng lại không có quỹ đất. Chỉ mong các đơn vị nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc để xã đảo Thạnh An được đưa khỏi rừng, để người dân có điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển về sau", ông Thanh nói.

Cũng theo ông Thanh, nơi này từng đối diện với nhiều cơn bão vào năm 1997 và năm 2006. Sau cơn bão năm 2006, lãnh đạo Tp.HCM đến khảo sát và muốn di dời bà con vào đất liền, nhưng người dân bám trụ sống với nghề biển họ quyết không rời đi. Sau đó, UBND Tp.HCM triển khai đầu tư bờ kè đá để giữ đất, các chính sách an sinh xã hội cho địa phương.

Bí thư Huyện ủy Cần Giờ Lê Minh Dũng cho rằng, với vụ việc này cần thành lập tổ công tác gồm có 4 sở và huyện theo đúng kết luận của Tp.HCM.

Bởi, toàn bộ những kiến nghị này của huyện đã từng trình lên UBND Tp.HCM và cũng đã được phê duyệt, thống nhất giao cho các sở, ngành cùng với huyện để giải quyết.

Phạm Long

Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/tphcm-nguoi-dan-xa-dao-sap-het-canh-co-giay-to-dat-cung-nhu-khong-a12808.html