Không đủ trường lớp để dạy 2 buổi/ngày
Tại một số trường học trên địa bàn Tp.HCM, mặc dù đã gần một tháng từ khi bắt đầu năm học 2022 – 2023 nhưng việc tổ chức học 2 buổi/ngày vẫn là thách thức với nhiều quận, huyện.
Những năm gần đây, tỉ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày tại quận Tân Phú có tăng lên nhưng tỉ lệ vẫn còn thấp. Trong đó, bậc tiểu học chỉ đạt 27,5%, bậc trung học cơ sở đạt 33,37%. Đặc biệt, hiện chỉ có 8 trong số 17 trường đảm bảo được 100% học sinh lớp 1, lớp 2 được học 2 buổi/ngày.
Ông Phan Sĩ Đạt, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú phân tích, số tiết trong một tuần của lớp 1 chương trình phổ thông mới là 25 tiết, như vậy những trường chưa đủ điều kiện tổ chức học 2 buổi/ngày, chỉ cần học 6 buổi/tuần là đủ nội dung.
Tuy nhiên, những khối lớp lớn hơn sẽ gặp khó khăn nếu không thể học 2 buổi/ngày. Như lớp 3, chương trình mới yêu cầu phải đảm bảo 28 tiết/tuần, lớp 4, lớp 5 phải học đến 30 tiết/tuần.
Tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày của quận Gò Vấp đạt 82,86%, trong đó bậc tiểu học đạt 73,3%, bậc trung học cơ sở đạt 96,93%. Dù tăng nhẹ so với năm trước nhưng các trường chưa đáp ứng hết nhu cầu học 2 buổi/ngày của học sinh. Ngoài ra, ở nhiều trường, sĩ số học sinh/lớp cao cũng khiến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới gặp khó khăn.
Bà Lê Thị Hồng Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm, quận Gò Vấp cho biết, nhà trường có 38 lớp học ở các khối, trường cũng chưa đủ phòng học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho toàn bộ học sinh.
Ngoài ra, trường có 17 lớp có sĩ số học sinh trên 45 em, 21 lớp có sĩ số học sinh trên 40 em, điều này khiến việc tổ chức hoạt động dạy và học gặp khó khăn. Mặt khác, trang thiết bị dạy học của trường hiện chỉ đáp ứng cơ bản các hoạt động giáo dục.
Báo cáo trước năm học mới của Sở GD&ĐT Tp.HCM chỉ ra, trong năm 2022, ngành giáo dục đưa vào sử dụng hơn 870 phòng học mới, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều trường phải giảm tỉ lệ học 2 buổi/ngày ở các lớp khác chưa thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời dồn cơ cấu lớp dẫn đến tình trạng một số lớp sĩ số học sinh cao.
Loay hoay tuyển dụng, bố trí giáo viên
Bên cạnh những khó khăn về cơ sở vật chất, ngành giáo dục Tp.HCM còn đối mặt với tình trạng thiếu đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên cho các môn học mới. Mặt khác, việc nâng chuẩn đào tạo giáo viên theo yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới cũng là vấn đề đặt ra với địa phương này.
Hiện tại, Trường THCS Cù Chính Lan, quận Bình Thạnh vẫn thiếu giáo viên cho môn học Lịch sử và Địa lý. Hiện, cả khối 6 và 7 chỉ có một giáo viên đứng lớp môn này.
Ông Phạm Thái Hồ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, vừa qua, quận Bình Thạnh đã tuyển dụng giáo viên cho nhà trường nhưng không có ứng viên đăng ký. Còn môn Khoa học tự nhiên đang có 4 giáo viên được phân công dạy 2 khối.
“Hoạt động dạy học tương đối tốt do các thầy, cô đều được tập huấn, bồi dưỡng đầy đủ. Riêng các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và nội dung giáo dục địa phương, nhà trường phân công giáo viên các bộ môn khác kiêm nhiệm”, ông Hồ nói.
Tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều môn cũng xảy ra ở nhiều trường học trên địa bàn. Các cấp học tại Tp.HCM cần tuyển hơn 5.900 chỉ tiêu tuyển giáo viên, nhưng đến nay mới tuyển được hơn 3.200 giáo viên. Vì thế, tỉ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày, nhất là bậc tiểu học.
Mặt khác, chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều môn học mới và các môn tích hợp, dù đã được tập huấn, bồi dưỡng nhưng giáo viên vẫn lúng túng trong tổ chức dạy do chưa được đào tạo bài bản, chính quy.
Tại quận 6, năm học này cần tuyển 63 giáo viên bậc tiểu học, nhưng đến nay mới chỉ tuyển được 26 giáo viên. Còn bậc trung học cơ sở, có nhu cầu tuyển 41 giáo viên thì nay mới có 26 giáo viên được tuyển mới.
Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận 6 cho biết, ở một số trường có kế hoạch tuyển dụng nhưng không có giáo viên ứng tuyển. Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, các trường phải ký hợp đồng với giáo viên bên ngoài. Số giáo viên thiếu chủ yếu là ở 2 môn tiếng Anh và Tin học.
Về lâu dài, thành phố cần có thêm chính sách thu hút, đãi ngộ giáo viên để có đủ giáo viên, nhất là khi các môn Tin học, tiếng Anh là môn bắt buộc từ lớp 3.
Quận Gò Vấp thiếu 20 giáo viên tiếng Anh, 4 giáo viên Tin học bậc tiểu học. Bậc trung học cơ sở chủ yếu thiếu cục bộ ở các môn năng khiếu. Ngoài thiếu giáo viên, ở nhiều trường cũng gặp không ít khó khăn khi tổ chức dạy môn mới, môn tích hợp.
Nỗ lực khắc phục khó khăn
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM cho biết, trung bình hàng năm, Tp.HCM đưa vào sử dụng trên 1.000 phòng học nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên đến đầu năm học 2022 – 2023 mới chỉ đưa vào hoạt động được 35 dự án với 575 phòng học. Dự kiến đến tháng 12/2022, các địa phương sẽ đưa vào hoạt động thêm 16 dự án với 299 phòng học.
“Thực trạng tăng dân số cơ học quá cao là khó khăn chung của thành phố chứ không chỉ riêng ngành giáo dục. Trong đó, năm nay, thành phố tăng đến hơn 21.800 học sinh. Bởi vậy, tiến độ xây dựng trường lớp khó có thể theo kịp, đồng thời, mục tiêu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học khó đảm bảo ở một số quận, huyện”, ông Quốc chỉ ra.
Đối với đội ngũ giáo viên, ông Quốc nhận định, đây cũng là năm đầu tiên thực hiện chương trình mới với lớp 10. Để chuẩn bị đội ngũ giáo viên, Sở đã chỉ đạo hiệu trưởng các trường xây dựng kế hoạch nhân sự.
Sau đợt một, dự kiến tháng 10/2022, ngành giáo dục Tp.HCM sẽ tuyển dụng đợt 2. Đối với các vị trí giáo viên thiếu nguồn tuyển dụng (công nghệ, tin học) và giáo viên môn mới (âm nhạc, mỹ thuật), Sở này đã hướng dẫn các trường chủ động liên kết để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc hợp đồng với điều kiện các nhân sự này đáp ứng trình độ chuyên môn phù hợp với cấp học.
Về giải pháp lâu dài, Trường Đại học Sài Gòn và Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM đã có kế hoạch đào tạo lực lượng giáo viên cần thiết cho nhu cầu.
Đồng thời, ngành giáo dục Tp.HCM tiếp tục tham mưu các chế độ, chính sách đối với giáo viên, đãi ngộ cho ứng viên tham gia tuyển dụng vị trí công tác ở các vùng khó khăn, ngoại thành. Đặc biệt là chế độ thu hút giáo viên ngoại ngữ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật… vì đây là lực lượng có vai trò quan trọng trong thực hiện chương trình mới.
Cho rằng việc triển khai chương trình mới sắp tới sẽ còn nhiều khó khăn từ cơ sở vật chất đến nguồn nhân lực, Sở GD&ĐT Tp.HCM đã yêu cầu các trường phải có kế hoạch chiến lược dài hơi, trung hạn và hàng năm để đưa ra những dự báo về nhu cầu nhân sự và cơ sở vật chất.
Trên cơ sở đó, các địa phương cần tham mưu, thực hiện việc quy hoạch mạng lưới trường lớp thời gian tới hiệu quả hơn.
Huy Dũng
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/lung-tung-chuong-trinh-moi-cac-truong-hoc-tai-tphcm-ung-pho-ra-sao-a12704.html