Bài toán kinh phí để tuyển giáo viên
Tp.Hồ Chí Minh là một trong hai địa phương có số học sinh đông nhất cả nước, cùng lúc thực hiện nhiều đề án về nâng cao năng lực ngoại ngữ nhưng luôn trong tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh.
Theo báo cáo hồi tháng 8/2022 của Phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Tp.HCM thì số liệu về nhu cầu giáo viên Tiếng Anh hàng năm chưa được tính đúng với nhu cầu thực tế khi 100% học sinh tiểu học được học ngoại ngữ.
Bởi lẽ, số học sinh tăng cơ học hàng năm rất lớn và không thể dự báo được nên khi thiếu giáo viên, các Phòng GD&ĐT cũng như nhà trường không thể tuyển giáo viên hợp đồng vì không có kinh phí.
Bà Phạm Thúy Hà - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT quận 4 cho biết, địa phương là một trong những nơi triền miên thiếu giáo viên Tiếng Anh, điển hình là 2 trường là Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh và Trường tiểu học Đống Đa. Hiện, quận này thiếu 15 giáo viên tiếng Anh và Tin học nhưng 2 năm qua không tuyển dụng được giáo viên nào.
Theo bà Hà, các trường tiểu học phải xoay xở đủ kiểu, trong đó hợp đồng với các giáo viên bên ngoài để dạy Tiếng Anh tự chọn, tăng cường. Đây cũng là phương án mà nhiều nhà trường, địa phương tại Tp.HCM thực hiện để lấp chỗ trống.
Tuy nhiên, theo hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Bình Thạnh, trước đây, nguồn kinh phí để chi trả cho giáo viên hợp đồng là nguồn thu tự nguyện của phụ huynh, kinh phí xã hội hóa. Nhưng bắt đầu từ năm nay, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, môn Tiếng Anh bắt buộc từ lớp 3 với 4 tiết/tuần. Như vậy, mỗi giáo viên phải dạy ít nhất 4 tiết miễn phí từ lớp 3 trở lên. Cho nên, tình hình tuyển dụng đã khó càng thêm khó, các cơ sở giáo dục không biết lấy kinh phí từ đâu để thu hút giáo viên Tiếng Anh.
Điều động giáo viên trung học dạy tiểu học
Thừa nhận về khó khăn trong tuyển dụng giáo viên, ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Tp.HCM dẫn ra một nghịch lý, địa phương có phổ điểm kết quả thi THPT quốc gia môn Tiếng Anh dẫn đầu cả nước nhưng lại thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học.
“Sở dĩ Tp.HCM thiếu giáo viên Tiếng Anh và Tin học vì khi đào tạo ra, các bạn lựa chọn đi làm bên ngoài nhiều hơn đi dạy dẫn đến nguồn giáo viên hiện tại khó khăn. Đặc biệt là ở các huyện xa như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè. Chúng tôi đang cố gắng đảm bảo quyền lợi của học sinh để được thụ hưởng kiến thức tốt nhất”, ông Minh chia sẻ.
Theo đại diện Sở GD&ĐT Tp.HCM, thu nhập thấp là nguyên nhân chính khiến thành phố khó tuyển đội ngũ giáo viên giảng dạy Tiếng Anh, Tin học.
Báo cáo công bố hồi tháng 8/2022 của Sở này cho thấy, lương của giáo viên mới ra trường khoảng hơn 3 triệu đồng. Trong khi, số tiết dạy nghĩa vụ còn tương đối cao (23 tiết/tuần) nên các quận, huyện rất khó tuyển hoặc giữ chân giáo viên giỏi, có kinh nghiệm, đặc biệt ở các vùng xa, khó khăn.
Một cán bộ Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Tp.HCM chỉ ra, tại các huyện ngoại thành, việc tuyển giáo viên Tiếng Anh đủ tiêu chuẩn hầu như không thể thực hiện được. Hàng năm, các trường phải tuyển giáo viên mới và đào tạo lại để các giáo viên này có kỹ năng dạy Tiếng Anh tiểu học. Điều đó dẫn đến sự bất ổn về nhân sự.
Từ thực trạng trên, ngành giáo dục Tp.HCM mong muốn Bộ GD&ĐT có hướng giảm số tiết nghĩa vụ của giáo viên dạy Tiếng Anh. Theo đề xuất, số tiết nghĩa vụ chỉ khoảng 18 tiết/tuần là vừa đủ. Nếu không thay đổi việc trên sẽ dẫn đến không tuyển được giáo viên mới và giữ được giáo viên giỏi.
Trước khi có giải pháp căn cơ, ngành giáo dục Tp.HCM phải triển khai cách thức tạm thời là điều động giáo viên dạy liên trường trong cùng cấp học hay biệt phái, điều động giáo viên Tiếng Anh, Tin học cấp THCS giảng dạy tại trường tiểu học. Các giáo viên này cần được tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy, chương trình và sách giáo khoa cấp tiểu học.
Khi điều động, ngành giáo dục các địa phương và các nhà trường cần có phương án đảm bảo quyền lợi cho giáo viên sao cho phù hợp với thực tế của địa phương. Các trường gặp khó khăn trong việc bố trí giáo viên thì cần xây dựng kế hoạch thực hiện môn học linh hoạt, sắp xếp thời khóa biểu khoa học để giáo viên dạy được liên trường, dạy tại nhiều điểm trường.
Hướng dẫn của Sở GD&ĐT Tp.HCM còn chỉ ra, các trường cần tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, đường truyền, xây dựng mô hình dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến để một giáo viên tại một thời điểm có thể dạy cho nhiều hơn một lớp ở những vị trí địa lý khác nhau.
Ngoài ra, nhà trường có thể phối hợp với các tổ chức, cá nhân có chức năng, năng lực cung cấp dịch vụ để tổ chức dạy môn Tiếng Anh, Tin học.
Mỹ Hằng
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/tphcm-kho-chong-kho-vi-thieu-giao-vien-tieng-anh-tin-hoc-cap-tieu-hoc-a12630.html