HLV Ten Hag khởi đầu thật tươi đẹp ở giai đoạn trước mùa giải. Cấu trúc về thứ bóng đá thao túng không gian, kiểm soát thế trận được định hình qua cách triển khai bóng từ sân nhà và những chiến thắng nức lòng. Lần đầu tiên sau nhiều năm mới lại thấy một Quỷ đỏ mượt mà và uyển chuyển. Hệ thống chiến thuật 4-2-3-1 vẫn được duy trì nhưng kỳ thực đã được cải tổ thành 4-3-3, với mũi nhọn cao nhất là số 9 ảo.
Tuy nhiên, MU thời điểm giao hữu và MU hiện tại hoàn toàn khác nhau. Quỷ đỏ mộng mơ nhanh chóng trở về với thực tại cùng hai xô nước lạnh ngắt từ Brighton và Brentford. Suy cho cùng, giải VĐQG khốc liệt nhất hành tinh như Ngoại hạng Anh khác xa một trận giao hữu vô thưởng vô phạt ở vùng viễn đông. Và, chất lượng đội hình MU cũng chưa đủ để chơi thứ bóng đá tầm soát thượng thặng của Man City hay Liverpool.
Không chỉ Ten Hag chưa có nhiều thời gian để chuyển tải tinh thần hay triết lý cho các học trò con người trong tay ông cũng không hẳn phù hợp để chơi thứ bóng đá thâm sâu ấy. De Gea không đủ giỏi chơi chân để hỗ trợ đồng đội kiểm soát bóng. Harry Maguire quá ì ạch để dẫn dắt hàng thủ trong phòng ngự lẫn cầm bóng. Fred cũng không phải tiền vệ kiểu mỏ neo để lùi sâu nhận và phân phối bóng. Bruno Fernandes ưa phiêu lưu với những đường chuyền mạo hiểm thay vì phát triển bóng một cách chắc chắn. Ronaldo thì quá luống tuổi để tham gia pressing cường độ cao và cũng chưa bao giờ là cầu thủ giỏi phối hợp. 5 cái tên vừa nêu không chỉ chiếm phân nửa đội hình mà còn là trục xương sống của Quỷ đỏ.
Nhưng nhận thấy sai sót là một chuyện, việc dám sửa sai là chuyện rất khác. Không phải ai cũng đủ can đảm nhận sai và sửa sai. Vì vậy, cần thừa nhận rằng vị chiến lược gia Hà Lan là người rất cầu thị và dũng cảm, khi xé toạc kế hoạch định sẵn chỉ sau 2 trận đấu. Dù cho là một nhà cầm quân giỏi chuyên môn và giàu tính triết lý như đã thể hiện tại Ajax Amsterdam nhưng Ten Hag đã không trở thành nô lệ cho một triết lý cụ thể, nếu triết lý đó thiếu hiệu quả với hoàn cảnh thực tế. Ông không cần một sợi dây kinh nghiệm dài bất tận để mỗi khi thất trận lại nói câu “rút kinh nghiệm”.
Câu Ten Hag thường xuyên nhắc đi nhắc lại là “cầu thủ quyết định lối chơi”. Sau khi chứng kiến hậu quả tai hại của việc triển khai bóng từ sân nhà, với 2 thất bại liên tiếp trước Brighton và Brentford, ông đã không ngần ngại từ bỏ cách tiếp cận trận đấu hàn lâm này. Không đơn thuần dũng cảm, người đàn ông này còn tỏ ra rất thực dụng. Chơi thứ bóng đá thâm sâu để làm gì khi cứ ra sân là thua trận. Trước khi thực hiện hoài bão, trước nhất phải giữ vững chiếc ghế cái đã.
Kết quả là chiến thắng 3-1 của MU trước Arsenal đã chấm dứt mạch toàn thắng của đội bóng dẫn đầu Ngoại hạng Anh, đồng thời mang về chiến thắng thứ tư liên tiếp cho Quỷ đỏ. Đó là sự thay đổi không ngờ ở một đội bóng trước đó còn chạm đáy khi nhận 4 bàn thua chỉ trong 45 phút đầu trên sân Gtech Community.
Quyết định thay đổi của Ten Hag thấy rõ qua số liệu thống kê. Ở hai trận đầu tiên, MU có tỷ lệ cầm bóng trung bình lên tới 65% trước Brighton rồi Brentford và nhận những thất bại ê chề. 4 trận gần nhất, Quỷ đỏ chỉ cầm bóng 41.7% và lần lượt đánh bại Liverpool, Southampton, Leicester và Arsenal.
Vị chiến lược gia người Hà Lan đã từ bỏ cách tiếp cận trận đấu bằng việc triển khai bóng từ sân nhà và hy sinh thời gian kiểm soát bóng để củng cố hàng phòng ngự. Trong khi đó, mặt trận tấn công dựa vào các pha đột phá chớp nhoáng, lối chơi trực diện và những pha pressing cường độ cao để xuyên phá, thay vì chọn cánh đánh “công kiên” bằng những tình huống ban chuyền kéo giãn hàng phòng ngự đối phương. Chẳng hạn trong trận đấu với Liverpool, thủ thành David De Gea, người mắc 2 lỗi dẫn đến bàn thua ở trận đấu với Brentford, đã không một lần phát bóng bằng đường chuyền ngắn.
Dự định ban đầu của Ten Hag không phải như vậy, kế hoạch dài hạn của ông cũng không phải như vậy, nhưng MU hồi sinh nhờ vị chiến lược gia người Hà Lan không phải loại cứng đầu, ông sẵn sàng học hỏi, nhanh chóng thích nghi, thực dụng và thậm chí còn có phần tàn nhẫn trong việc ra quyết định. Đơn cử như việc đẩy cả thủ quân Harry Maguire lẫn ngôi sao hy vọng Ronaldo lên băng ghế dự bị. Sự linh hoạt, tư duy rõ ràng và bản lĩnh là hành trang tốt cho tương lai dài lâu.
“Những cầu thủ hiện tại có thể không phù hợp với cách ông ấy muốn chơi bóng nhưng ông ấy đã tìm ra phương pháp chiến thắng cùng tập thể này”, Paul Scholes, cựu tiền vệ MU nhận xét. “Chúng ta nói về triết lý mọi lúc đúng không? Ai là nhà cầm quân cứng đầu? Arteta. Guardiola. Klopp. Nhưng người đàn ông này, hãy ghi công cho ông, vì ông thực sự buông bỏ những gì ông muốn làm”.
Ten Hag xác định phải trở lại với những vấn đề căn bản. Đó là các cầu thủ phải chạy nhiều hơn, bền bỉ hơn và sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ được giao. MU thực hiện trung bình 5,5 cú tắc bóng và nhiều hơn 10 lần phá bóng mỗi trận trong 4 trận gần nhất. So với 2 trận mở màn, rõ ràng Quỷ đỏ hung hăng và hiếu chiến hơn bội phần.
MU đã phải nhận 20 thẻ phạt sau 6 vòng đấu, thống kê thường dùng để phản ánh sự mất bình tĩnh và liều lĩnh, song trong trường hợp Quỷ đỏ, một cú vào bóng quyết liệt đôi khi là sự giải tỏa cho áp lực khủng khiếp bủa vây và tăng thêm sĩ khí. Đơn cử như tình huống Bruno Fernandes dọn cỗ cho Elanga bằng cú tắc bóng đốn ngã Joe Gomez trong hiệp một trận đấu giữa MU và Liverpool. Ở tình huống này tài năng trẻ của đội chủ nhà đã không may dứt điểm dội cột nhưng đó là lời cảnh báo khiến kình địch hoang mang trong khi các học trò của Ten Hag được tiếp thêm sự tự tin để thi đấu.
“Tôi nghĩ điều này đến từ thông điệp HLV chuyển tải cho chúng tôi nhưng cốt yếu vẫn từ chính chúng tôi – để tồn tại ở CLB này, cần phải chiến đầu đến cùng”, Diogo Dalot, hậu vệ phải đang gây ấn tượng mạnh mẽ chia sẻ. “Bạn phải chiến đấu suốt 90 phút trong từng trận đấu, và đây là điều chúng tôi cố gắng làm. Khi ấy tôi nghĩ chất lượng sớm muộn cũng được nâng cao”.
Những cầu thủ như Lisandro Martinez và Raphael Varane đập tay thật mạnh sau mỗi pha tắc bóng thành công, những cầu thủ MU ôm chầm lấy nhau sau những đợt đợt truy cản, đánh chặn hay giải nguy, hãy những lời động viên dành cho Ronaldo mỗi khi lão tướng chưa chịu già này vào sân, cho thấy cảm giác gần gũi và thể hiện đội bóng này đang trở thành một tập thể gắn kết.
Hình ảnh thường xuyên “xì hơi” sau khi để thủng lưới ở mùa trước cũng như 2 trận thua Brighton và Brentford mùa này đang bị Ten Hag xóa bỏ, ví dụ như phản ứng tích cực của MU sau khi bị Arsenal gỡ hòa và tái lập lợi thế dẫn bàn chỉ 6 phút sau.
Bên cạnh đó, từ chỗ thường bị chỉ trích vì phụ thuộc quá nhiều vào những khoảnh khắc tỏa sáng cá nhân để giải cứu đội bóng trong thời điểm khó khăn, Quỷ đỏ đã ghi được một số bàn thắng nhờ sự phối hợp hài hòa. Tiêu biểu là bàn thắng của tân binh Antony, với việc 11 cầu thủ đều chạm bóng trong tình huống có 18 đường chuyền được thực hiện. Sự gắn kết tại MU dường như có dấu hiệu bền vững.
Ten Hag không phải là vị chiến lược gia đầu tiên nhận ra những vấn đề chuyên môn tại Old Trafford. Jose Mourinho đã biết con người của đội bóng áo đỏ chỉ phù hợp để chơi phòng ngự. Ole Gunnar Solskjaer càng trung thành với lối đá cửa dưới này. Tuy nhiên, cả hai nhà cầm quân này đều chung kết cục bị sa thải. Liệu Ten Hag có đi vào vết xe đổ ấy khi chọn lối đá thực dụng cho MU? Câu trả lời cần thời gian, nhưng những tín hiệu cho thấy kết cục của nhà cầm quân người Hà Lan sẽ khác.
Soi chiếu từ những hai HLV tiền nhiệm của Ten Hag để thấy rõ vấn đề. Đầu tiên là Mourinho. Tài năng, kinh nghiệm, chiến lược gia người Bồ Đào Nha có đủ. Song, thời điểm dẫn dắt MU, Người đặc biệt rơi vào tình thế trên đe dưới búa. Ông không được ban lãnh đạo hậu thuẫn, đã vậy còn bị học trò chống đối. Thất bại là kết quả đương nhiên.
Solskjaer lên thay Mourinho, ngay lập tức Quỷ đỏ thăng hoa. Đó không phải nhờ tài của chiến lược gia người Na Uy. Nguyên nhân cốt yếu là các ngôi sao MU có được cảm giác cởi trói và chịu đá hết mình trên sân. Tuy nhiên, thành công bền vững phải dựa trên chiến lược gia thực lực. Solskjaer có duyên nhưng ở đẳng cấp cao nhất, ông chưa đủ khả năng.
MU dưới sự dẫn dắt của vị chiến lược gia người Na Uy ngày càng nhàm chán với lối đá phòng ngự phản công thụ động. Thế mới xảy ra nghịch lý MU gặp đội mạnh thì thắng, gặp đội yếu lại thua. Rốt cuộc, giống như sự nghiệp sân cỏ, Solsa chỉ là siêu dự bị chứ không thể đá chính. Ông bị sa thải ở giữa mùa trước và Rangnick được chọn làm HLV tạm quyền cho đến khi Ten Hag được bổ nhiệm chính thức.
Ten Hag khác Mourinho ở chỗ ông nhận được sự ủng hộ từ ban lãnh đạo. Mầm mống phản loạn như Pogba cũng không còn trong đội hình. Dưới sự dẫn dắt của ông, như đã đề cập, các cầu thủ MU cũng đang gắn kết và khát khao hơn từng ngày.
Ten Hag càng không giống Solskjaer. So với người tiền nhiệm, không thể phủ nhận vị chiến lược gia người Hà Lan có một nền tảng kiến thức chuyên môn vững vàng hơn. Xuất phát điểm với phông nền là lối đá tầm soát, kết hợp giữa kiểm soát thế trận và pressing cường độ cao, nhưng cuộc hồi sinh của MU cho thấy Ten Hag cũng biết cách chơi phòng ngự.
Suy cho cùng, cái hay nhất trong điều binh khiển tướng là “tùy cơ ứng biến”. Ten Hag đang cho thấy phẩm chất ấy, như Zinedine Zidane hay Carlo Ancelotti.
Trần (t/h)
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/ten-hag-xe-nhap-mu-phuc-sinh-bang-su-hieu-chien-va-thuc-dung-a12615.html