Ngày 3/9, Ban tổ chức Lễ hội sầu riêng Krông Pắk lần thứ I năm 2022 (tỉnh Đắk Lắk) đã tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc trên địa bàn.
Thông tin từ ban tổ chức cho biết, ngày hội lần này có 16 đơn vị đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Krông Pắk, với gần 700 nghệ nhân, vận động viên tham gia các phần thi thể thao, ẩm thực, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc.
Đây là hoạt động ý nghĩa trong chương trình Lễ hội sầu riêng Krông Pắk lần thứ I năm 2022.
Là một nghệ nhân chế tác đàn tính, ông Ngân Văn Lẩn (trú thôn Thạch Lũ, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk) cho biết, thôn Thạch Lũ chủ yếu đồng bào dân tộc Nùng từ các tỉnh phái Bắc vào. Dù xa quê nhưng bà con còn giữ được nhiều bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong đó đàn tính, hát then là tiêu biểu nhất.
“Chúng tôi tích cực tham gia các hoạt động văn hóa dân gian do xã, huyện tổ chức. Tại lễ hội sầu riêng này, đội văn nghệ của thôn cũng tham gia nhiều tiết mục văn nghệ, tham gia hội thi hát dân ca, chế tác nhạc cụ truyền thống, trang phục truyền thống…”, ông Lẩn cho hay.
Được biết, ông Lẩn chế tác rất nhiều đàn tính và tham gia nhiều lớp truyền dạy đàn tính, hát then cho thế hệ trẻ.
Theo ông Lẩn, đàn tính được tạo từ gỗ cây thừng mực (tiếng Nùng gọi là mạy múc), loại cây này phải vào rừng tìm mới có. Sau khi đã có nguyên liệu, nghệ nhân sẽ phơi khô gỗ và làm thủ công 100%. Để làm hoàn thiện cây đàn tính mất ít nhất khoảng 5 ngày.
Không riêng gì ông Lẩn, nhiều nghệ nhân khách cũng bày tỏ niềm vui khi Lễ hội sầu riêng Krông Pắk tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa vừa quảng bá nông sản, vừa giới thiệu được văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, ngày hội văn hóa, thể thao nhằm quảng báo, giới thiệu và tôn vinh những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc và phong trào thể dục, thể thao ở cơ sở. Đồng thời, góp phần bảo tồn phát huy giá trị văn hóa dân gian, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Bên cạnh đó, ngày hội văn hóa, thể thao cũng là dịp để đồng bào các dân tộc giao lưu, học hỏi, phát huy truyền thống tốt đẹp, gắn kết cộng đồng. Đồng thời, biến những di sản văn hóa dân gian của các dân tộc thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện.
Khánh Ngọc
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/gan-700-nghe-nhan-tham-gia-ngay-hoi-van-hoa-the-thao-cac-dan-toc-a12595.html