Khó khăn từ nguồn nhân lực
Ngày 30/8, Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo "Xây dựng tầm nhìn Chiến lược quản trị dữ liệu của Tp.HCM".
Chủ trì hội thảo có Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Võ Thị Trung Trinh; các chuyên gia Ngân hàng thế giới gồm bà Trần Thị Lan Hương, ông Tan Kim Leng, ông Ngô Quốc Thái.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM Võ Thị Trung Trinh cho biết, hội thảo nhằm trao đổi, xác định các yếu tố chính để thực hiện thành công Chiến lược quản trị dữ liệu của Tp.HCM.
Đồng thời, cần tạo sự đồng thuận giữa các sở, ban, ngành, quận, huyện và Tp.Thủ Đức về việc quản trị dữ liệu và chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị, đặc biệt là sự đồng thuận của lãnh đạo các đơn vị sở hữu các dữ liệu quan trọng.
“Hội thảo là cơ hội để Tp.HCM lắng nghe các ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia về những chiến lược, định hướng, chính sách thúc đẩy phát triển chuyển đổi số nói chung và công tác quản trị dữ liệu nói riêng.
Qua đó, giúp Tp.HCM có thể hoàn thiện Chiến lược quản trị dữ liệu, xác định đúng mức độ ưu tiên, xây dựng được lộ trình, kế hoạch triển khai các hạng mục, dự án về tạo lập và khai thác dữ liệu phù hợp, phục vụ hiệu quả cho quá trình chuyển đổi số”, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM kỳ vọng.
Bàn về kế hoạch chuyển đổi số tại Tp.HCM, bà Trinh cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND Tp.HCM về triển khai các nội dung hợp tác giữa Tp.HCM và Ngân hàng Thế giới trong lĩnh vực chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới xây dựng Chiến lược quản trị dữ liệu của Tp.HCM.
Chiến lược quản trị dữ liệu sẽ xác định tầm nhìn, các mục tiêu cụ thể, các lĩnh vực ưu tiên cũng như lộ trình, kế hoạch triển khai các dự án, hạng mục số hóa, tạo lập và khai thác dữ liệu phục vụ cho nhu cầu quản trị của thành phố.
Trong thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM và Ngân hàng Thế giới đã phối hợp hoàn thành công tác khảo sát và đánh giá hiện trạng dữ liệu và nhu cầu sử dụng dữ liệu của các cơ quan Nhà nước thành phố, tập trung vào 3 nhóm dữ liệu: nhóm dữ liệu không gian phục vụ quản lý, quy hoạch phát triển đô thị; nhóm dữ liệu liên quan đến thông tin của người dân; nhóm dữ liệu về phát triển kinh tế, tài chính.
Về các khó khăn trong quá trình chuyển đổi số, bà Trinh chia sẻ, hiện nay, nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại địa phương rất ít, mỗi quận, huyện chỉ có khoảng 1-2 người. Do đó, Tp.HCM hướng đến việc thuê các dịch vụ tạo lập dữ liệu, đơn vị lập trình bên ngoài.
Người dân là đối tượng thụ hưởng
Theo ông Tan Kim Leng, chuyên gia Ngân hàng thế giới, chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở công nghệ. Sự chuyển đổi sẽ không được tạo ra nếu chúng ta ứng dụng công nghệ kém hiệu quả.
Bên cạnh công nghệ, công tác còn này phải tập trung đến những đối tượng cần phục vụ, cách thức tổ chức, cơ cấu dữ liệu sao cho các bên có liên quan có thể tiếp cận, sử dụng dễ dàng.
Đưa ra một ví dụ về chính phủ số, chuyên gia Tan Kim Leng cho biết, tại Singapore, muốn gia hạn hộ chiếu, người dân có thể thực hiện trên ứng dụng di dộng mà không cần đi đến các cơ quan hành chính.
Đặc biệt, trong quá trình làm thủ tục, họ không phải điền bất kỳ các biểu mẫu nào, vì những dữ liệu về công dân đã được chính phủ thu thập và chia sẻ nội bộ.
“Người dân chỉ cần cập nhật hình ảnh mới nhất của bản thân và tiến hành thanh toán, sau đó, họ sẽ nhận được tin nhắn được thông báo về thời gian nhận hộ chiếu của bản thân. Đó là cách Singapore thay đổi cách tiếp cận công dân bằng dịch vụ chính phủ số”, ông nói.
Cũng theo chuyên gia Tan Kim Leng, có 3 cơ sở dữ liệu quan trọng của một đất nước bao gồm: quản lý dữ liệu quốc gia về dân cư; quản lý dữ liệu quốc gia về đất đai; quản lý dữ liệu quốc gia về tổ chức. Trong đó, dữ liệu dân cư là nguồn lực quan trọng nhất, bởi con người là nhân tố tạo ra của cải và tài sản.
Để thành lập chính phủ số với những dịch vụ công có hiệu quả, ông Tan Kim Leng cho rằng, các cơ quan Nhà nước phải thống nhất với nhau đâu là dữ liệu nền cần chia sẻ. Đồng thời, đưa ra cam kết về thời gian xử lý và chất lượng phục vụ các dịch vụ với người dân.
Cùng với đó, Nhà nước có thể tổ chức cho người dân đánh giá, xếp hạng chất lượng, mức độ hài lòng đối với các dịch vụ công của các cơ quan Nhà nước. Bảng xếp hạng này sẽ được đăng tải thường kỳ trên báo chí và các phương tiện truyền thông.
“Sự minh bạch của các thang đo sẽ tạo động lực, buộc các cơ quan có thứ hạng thấp phải cải thiện chất lượng phục vụ người dân của mình”, ông khẳng định.
Huyền Mai
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/tphcm-tim-giai-phap-de-chuyen-doi-so-khong-dung-lai-o-cong-nghe-a12567.html