Ngày 22/8, trao đổi với PV, ông Nguyễn Tấn Tài, Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Thiêm, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM cho biết, 589 học sinh lớp 10 tuyển vào năm học 2022 - 2023 được nhà trường phân thành 13 lớp với số lượng chọn các môn tổ hợp tương đối đồng đều.
Nhà trường triển khai 7 môn tự chọn chia làm 8 tổ hợp lớp. Trong đó có 2 môn Âm nhạc và Mỹ thuật do không có giáo viên nên không triển khai. Nhà trường đang đề nghị Sở GD&ĐT Tp.HCM tuyển thêm giáo viên dạy 2 môn này để chuẩn bị cho năm học tới.
“Việc đưa ra các tổ hợp dựa trên tình hình nhân sự nhà trường. Khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc, nhà trường không gặp khó khăn để sắp xếp lại tổ hợp bộ môn. Giáo viên nhà trường có thể đáp ứng được, còn học sinh thì dễ dàng hơn vì chỉ cần chọn 4 thay vì 5 môn học tự chọn như trước”, ông Tài chia sẻ.
Còn Trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh năm học 2022-2023 có 22 lớp 10, bao gồm chuyên, tích hợp và thường. Tuy nhiên, khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, trường có đến gần 40 lớp ghép ở các môn học lựa chọn.
Ông Tô Lâm Viễn Khoa, Phó Hiệu Trưởng Trường THPT Gia Định thông tin, năm học tới là năm đầu tiên trường tổ chức các lớp học... phi truyền thống cho học sinh khối 10. Tức là, trong cùng 1 lớp, bên cạnh các môn học học sinh sẽ học cùng nhau thì sẽ có những môn các em sẽ phải “ghép lớp". Ở những lớp này, học sinh sẽ đến từ 2-3 lớp khác nhau.
"Đối với học sinh lớp 10, ở 8 môn bắt buộc các em sẽ học theo hình thức lớp học cố định. Riêng học sinh lớp chuyên thì sẽ học cố định thêm môn chuyên. Với nhóm 4 môn lựa chọn thì tùy từng nhóm, tùy từng lớp sẽ có khoảng 2 môn học sinh học theo lớp, còn lại là theo hình thức... lớp ghép, lựa chọn môn học, tùy theo sở thích, nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh”, ông Khoa cho hay.
Ví dụ, học sinh lớp chuyên Văn, ở nhóm 4 môn lựa chọn, các em sẽ học Địa lý, Kinh tế và pháp luật giống nhau. Với 2 môn còn lại, sẽ có một số học sinh học Lý, Hóa trong khi một số học sinh lựa chọn học môn Sinh. Bằng hình thức triển khai các lớp học ghép, trường THPT Gia Định sẽ linh hoạt đáp ứng giảng dạy, giúp thực hiện tốt nhất mục tiêu định hướng nghề nghiệp của chương trình.
"Trước khi cho học sinh lựa môn học, trường cũng tính toán đến khả năng của trường có thể dạy được bao nhiêu lớp trong từng môn lựa chọn. Khi học sinh đăng ký, căn cứ trên yếu tố điều kiện nhà trường, nhân lực, cơ sở vật chất có đáp ứng được hay không", ông Khoa nói.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM khẳng định, việc sắp xếp tổ hợp môn học phải hài hòa giữa nguyện vọng của phụ huynh, học sinh và điều kiện thực tế của nhà trường về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.
Thời điểm hiện tại, đơn vị nào chưa đủ điều kiện có thể xây dựng kế hoạch, từng bước bổ sung nhân sự để triển khai trong những năm kế tiếp. Sau một năm triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10, Sở GD&ĐT Tp.HCM sẽ rà soát công tác triển khai tại các trường để có hướng hỗ trợ trong những năm tiếp theo.
Mỹ Quỳnh
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/tphcm-chu-dong-sang-tao-day-va-hoc-theo-to-hop-mon-cho-lop-10-a12500.html