Ngày 9/7, tại Tp.HCM, đã diễn ra hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW.
Hội nghị được tổ chức tại hai điểm cầu Tp.HCM và Văn phòng Chính phủ bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Hội nghị được triển khai theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và kế hoạch của Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết 53 và Kết luận 27, nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, bài học kinh nghiệm, đề xuất các mục tiêu, giải pháp phát triển vùng trong thời gian tới.
Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết 53 và Kết luận 27 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đánh giá lại chặng đường 15 năm vừa qua và xác định con đường phát triển cho vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong giai đoạn sắp tới.
Vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm Tp.HCM và các địa phương: Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của cả nước và khu vực.
Vùng có diện tích trên 30,5 nghìn km2 (chiếm 9,2% diện tích của cả nước); dân số khoảng 21,9 triệu người (22% dân số cả nước); GRDP chiếm khoảng 35% cả nước; đóng góp trên 40% tổng thu ngân sách; thu nhập bình quân đầu người gấp 1,58 lần và tỷ lệ đô thị hóa gấp 1,8 lần bình quân cả nước.
Theo Thủ tướng, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 là chủ trương có ý nghĩa chiến lược nhằm huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của vùng để phát triển mạnh, đi đầu trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào sự phát triển của khu vực phía Nam và của cả nước. Đây cũng là cầu nối để hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế sâu rộng trong khu vực và trên thế giới.
Để hội nghị thành công và đạt kết quả cao nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu bám sát nội dung Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 của Bộ Chính trị để đánh giá một cách khách quan, thẳng thắn, trung thực, rõ ràng, có phân tích, so sánh số liệu minh họa, tập trung thảo luận, làm rõ nội dung một số vấn đề trọng tâm.
Cụ thể, phân tích, đánh giá, nêu bật được những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, những nút thắt, điểm nghẽn trên tất cả các lĩnh vực và xác định rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan để rút ra các bài học kinh nghiệm.
Đồng thời, phân tích những yếu tố tự thân của khu vực nhằm vận động sáng tạo để phát triển, còn yếu tố nào cần sự hỗ trợ từ Trung ương. Xác định nội dung nào đưa ra mà chưa làm được và vì sao?
Thủ tướng cũng đề nghị đại biểu tham dự hội nghị phân tích bối cảnh quốc tế, tình hình trong nước có tác động tới sự phát triển của vùng và cả nước nói chung. Trong tình hình hiện nay, điều gì là cơ hội, thách thức, thuận lợi, khó khăn. Trên cơ sở đó, đưa ra mục tiêu, giải pháp, các quan điểm tập trung chỉ đạo phát triển khu vực.
"Trên cơ sở khách quan, trung thực, cần đánh giá đúng và đánh giá trúng, mới có được giải pháp phù hợp, tạo ra đột phá, tầm nhìn chiến lược đối với vùng Đông Nam Bộ - một vùng đất rất tiềm năng", Thủ tướng phát biểu.
Trần Chung
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/nhan-dien-co-hoi-thach-thuc-thuc-day-phat-trien-vung-dong-nam-bo-a11946.html