Giá tour nội địa cao hơn nước ngoài
Trong mùa cao điểm du lịch hè 2022, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch nhất. Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho hay, đảo ngọc Phú Quốc “bùng nổ” du lịch từ cuối tháng 3 cho tới thời điểm này. Các công ty du lịch đã có sự chuẩn bị từ trước nên có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng về lưu trú, đi lại.
Theo bà Phương Hoàng, điểm đáng mừng là chi tiêu của du khách khi đến Phú Quốc khá cao, tour 3 ngày 2 đêm dịch vụ 5 sao Phú Quốc vào khoảng 7 – 10 triệu đồng, trong khi đó giá này khách có thể đi tour Thái Lan 5 ngày 4 đêm.
“Sau dịch tới nay, điểm du lịch nào cũng đông chứ không riêng gì Phú Quốc. Để có được giá tốt nhất, du khách có kế hoạch du lịch hè nên chuẩn bị sớm để có ngày đi, giờ bay theo ý của mình.
Hiện, nhân viên của Vietravel phải làm 100%, chia ca kíp trực 24/7 hỗ trợ nhu cầu khách hàng, hướng dẫn viên cũng phải tăng cường từ Chi hội hướng dẫn viên du lịch Tp.HCM”, Phó Tổng giám đốc Vietravel nhận xét.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Viettourist, sau lễ 30/4, các đơn vị đã bắt đầu đặt tour cho khách đoàn để khởi hành vào thời điểm này đến hết ngày 15/8.
Ngay khi học sinh các trường nghỉ hè, nhóm khách gia đình cũng bắt đầu đặt tour đi du lịch. Với tour nước ngoài, khách chọn nhiều nhất là Thái Lan, Campuchia…
Với tour trong nước, nhóm khách đoàn thường chọn Phan Thiết, Nha Trang,… cho những đoàn từ 200 – 500 đến 1.000 khách. Các đoàn nhỏ hơn thì chọn tour đi Phú Quốc.
Ông Trần Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, mùa hè là dịp cao điểm nhất trong năm đối với ngành du lịch. Lữ hành Saigontourist dự kiến sẽ phục vụ hơn 280.000 lượt khách trong mùa hè 2022.
Sự khác biệt lớn nhất cho mùa hè năm nay là sự bùng nổ rất sớm của các chương trình du lịch MICE ngay từ đầu tháng 5. Chỉ riêng trong tháng 5, Lữ hành Saigontourist đã phục vụ hơn 45.000 khách MICE trên toàn quốc.
Dự kiến trong cả mùa hè, doanh nghiệp tiếp tục phục vụ hơn 150.000 khách MICE. Đối với chùm tour du lịch trong và ngoài nước khởi hành định kỳ, Lữ hành Saigontourist đã sớm chuẩn bị xây dựng hơn 160 sản phẩm du lịch trọn gói phù hợp xu hướng của thị trường, đáp ứng yêu cầu về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm thiên nhiên, văn hoá, lịch sử, ẩm thực.
Trong khi đó, đại diện Công ty CP Dịch vụ du lịch và Thương mại TST (TSTtourist) cho biết, bước vào giai đoạn cao điểm hè 2022 (tính từ đầu tháng 6/2022), doanh nghiệp này đã tiếp nhận trên 6.000 lượt khách MICE (hội nghị kết hợp du lịch), bao gồm 2.100 lượt khách trong tháng 6/2022 và trên 4.000 khách trong tháng 7/2022.
Bên cạnh đó, số lượng khách cá nhân và nhóm gia đình đã đạt con số gần 1.000 khách chỉ trong hai tháng 6, 7/2022. Riêng đối với điểm đến Quảng Ninh, TST tourist trong cuối tháng 6 và giữa đầu tháng 7 đã có trên 1.100 khách.
Chuẩn bị nguồn lực để phát triển bền vững
Không ngủ quên trước số lượng khách liên tục “chốt đơn”, các doanh nghiệp đang tìm kiếm sản phẩm du lịch mới theo những chương trình khảo sát, liên kết hợp tác giữa Sở Du lịch Tp.HCM và các tỉnh, thành khác.
Trong 2 ngày 30/6 và 1/7, Diễn đàn Liên kết phát triển du lịch giữa Tp.HCM, Tp.Hà Nội và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng với chủ đề Hội tụ tinh hoa - Nâng tầm điểm đến đã diễn ra tại tỉnh Nghệ An.
Ngành du lịch kỳ vọng việc liên kết giữa Tp.HCM, Tp.Hà Nội với vùng Bắc Trung Bộ mở rộng (Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị) sẽ là cơ hội phát triển hệ thống sản phẩm liên tuyến độc đáo; khai thác thị trường khách từ Lào, Thái Lan qua hành lang Đông Tây, trong đó Quảng Bình, Hà Tĩnh là 2 cầu nối.
Trước thời điểm diễn ra diễn đàn, một đoàn gồm nhiều doanh nghiệp lữ hành lớn ở Tp.HCM đã có chuyến đi 7 ngày qua Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... để khảo sát lại những điểm du lịch. Từ đó, xây dựng sản phẩm du lịch, tour tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách giai đoạn sắp tới.
Chuyến khảo sát của các doanh nghiệp lữ hành là một phần trong những hoạt động của các chương trình liên kết du lịch diễn ra thời gian qua, mà Tp.HCM là địa phương khởi xướng đầu tiên trên cả nước.
Đến nay, Tp.HCM đã liên kết cấp UBND với 7 vùng của cả nước, bao gồm 52 tỉnh, thành trong các nhóm vấn đề cốt lõi của du lịch là: Phát triển sản phẩm; quảng bá, xúc tiến du lịch; quản lý nhà nước về du lịch và đào tạo nguồn nhân lực.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM, chương trình liên kết đã tác động trực tiếp, thúc đẩy từng thành tố của hệ sinh thái du lịch phát triển, gồm cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, du khách và người dân địa phương. Từ đó, ngành du lịch tận dụng được thị trường khách giữa các địa phương để gia tăng số lượng du khách và doanh thu du lịch.
“Liên kết cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch và dịch vụ của các địa phương cung ứng sản phẩm, dịch vụ chất lượng, giá cả hợp lý và cạnh tranh; nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực tại điểm đến và chất lượng thương hiệu; thúc đẩy chuỗi cung ứng dịch vụ, hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm đặc sản địa phương”, bà Hoa nhìn nhận.
Trong khi đó, các cơ sở đào tạo cũng đang tích cực đẩy mạnh hoạt động hướng dẫn, giảng dạy về kỹ năng nghề nghiệp trong ngành du lịch. Như tại Trường đại học Hoa Sen đang tổ chức cuộc thi I-HOTELIER về lĩnh vực nhà hàng, khách sạn dành cho các bạn học sinh, sinh viên trên cả nước do khoa Du lịch của trường này tổ chức với tổng giá trị giải thưởng lên đến 300 triệu đồng.
Bà Đoàn Trần Phương Thảo, Giám đốc Nhân sự Khách sạn InterContinental Saigon, đơn vị đồng hành của cuộc thi cho biết: “Tuy rằng dịch Covid-19 gây nhiều biến động nhưng từ tháng 3/2022 đến nay, chúng ta đã thấy được sự vực dậy rất lạc quan. Đây là minh chứng cho việc ngành Quản trị Nhà hàng - Khách sạn vẫn còn rất “hot” và cuộc thi sẽ mang lại cho sinh viên những hiểu biết sâu sắc hơn”.
Còn đó những khó khăn chung
Về phía các doanh nghiệp, nhiều đơn vị cho biết, tình trạng giá xăng dầu liên tục tăng và neo ở mức cao đang ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào trong dịch vụ cấu thành giá tour, gây áp lực lớn cho doanh nghiệp lữ hành.
Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Fiditour cho biết, hiện nay giá mỗi vé máy bay nội địa đã tăng khoảng 1-1,2 triệu đồng/chiều; giá tất cả các dịch vụ vận chuyển đường bộ, đường sắt cũng đều tăng từ 20% trở lên... Vì vậy, các công ty du lịch đang rất chật vật để xây dựng các chương trình tour hè mới cho du khách.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông TST tourist chỉ ra, chi phí cho vận chuyển chiếm khoảng 60% trên tổng giá thành nên khi nhiên liệu tăng đã đội giá tour lên cao so với trước. Tuy nhiên, việc giá xăng dầu tăng không có nghĩa sản phẩm du lịch cũng tăng ngay theo được.
“Bởi nếu tăng giá bất thường dễ gây mất thiện cảm trong lòng du khách khi ngành du lịch vừa hồi phục. Việc quan trọng hiện nay là giữ chân du khách, mà muốn giữ chân du khách thì doanh nghiệp du lịch phải gồng mình giữ giá tour bình ổn cho du khách. Có như vậy mới có thể kéo du khách trở lại sau mùa dịch bệnh.
Nhưng với giá xăng dầu tăng nhanh và liên tục như hiện nay, doanh nghiệp cũng chỉ có thể điều tiết lợi nhuận một giai đoạn ngắn chứ không thể kìm giá quá lâu”, ông Mẫn phân tích.
Ngày 29/6, tại cuộc họp về tình hình phát triển kinh tế-xã hội Tp.HCM 6 tháng đầu năm 2022, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM cho biết, ngành du lịch thành phố đang phục hồi nhanh và bắt đầu tăng trưởng dương từ tháng 4/2022.
Tuy nhiên, Tp.HCM đang gặp nhiều thách thức trong việc phát triển thị trường khách du lịch quốc tế. Mặc dù Việt Nam đã mở cửa sớm hơn so với một số nước nhưng các thị trường truyền thống ở khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc vẫn chưa mở cửa, thị trường Hàn Quốc mới mở cửa nhưng chỉ mở một số điểm, thị trường Nhật Bản thì chọn lọc đối tượng khách.
Bên cạnh đó, thị trường truyền thống của du lịch Tp.HCM như châu Âu và châu Úc đã mở cửa nhưng trên thực tế khi du khách vào và du khách ra lại gặp khó khăn về visa. Chính sách visa hiện nay đang còn rườm rà hơn nhiều so với trước dịch.
“Đối tượng để thực hiện chính sách visa điện tử hoặc cấp visa tại cửa khẩu chưa được xem xét mở rộng. Mặt khác, thời hạn lưu trú của khách nước ngoài hiện nay chỉ có 15 ngày nên chưa tối ưu hóa được thời gian lưu trú cũng như độ dài chi tiêu của khách quốc tế”, bà Ánh Hoa nói.
Thêm nữa, ngành du lịch đang đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh kéo dài, nhiều nhân sự đã nghỉ việc dẫn tới sự thiếu hụt nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Ngoài ra, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, đặc biệt là gói ưu đãi lãi suất thấp của Chính phủ còn khó khăn.
Bà Hoa cũng cho biết, trong thời gian tới, Sở Du lịch sẽ tập trung xúc tiến các thị trường du lịch nước ngoài để chuẩn bị cho mùa cao điểm du lịch quốc tế từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023.
Trọng tâm của hoạt động trên là Hội chợ du lịch quốc tế Tp.HCM. Thành phố này sẽ tập trung phát triển những sản phẩm du lịch nội tại và liên kết vùng để phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.
Theo thống kê của Sở Du lịch Tp.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu của ngành du lịch Tp.HCM ước đạt 49.681 tỷ đồng, tăng 29,9% so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa đến thành phố ước đạt 11,08 triệu lượt, khách quốc tế đến đến thành phố ước đạt 477.982 lượt.
Thành phố này đã xây dựng kế hoạch triển khai đề án phát triển du lịch thông minh, cập nhật 366 tài nguyên du lịch đặc sắc trên ứng dụng du lịch thông minh của thiết bị di động.
Thái Phương - Thu Dịu - Phạm Nguyễn - Quốc Thái - Vũ Phượng
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/vua-mung-vua-lo-khi-du-lich-bat-nhip-than-toc-voi-binh-thuong-moi-a11854.html