Cần cơ chế tài chính cho Tp.HCM
Sáng 29/6, UBND Tp.HCM đã họp định kỳ về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2022. Tham dự phiên họp có Bí thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi; Chủ tịch HĐND Tp.HCM Nguyễn Thị Lệ;…
Tại phiên họp, nhiều vướng mắc khi thực hiện chính quyền đô thị trong một năm qua được nhiều đại biểu nêu ra. Cụ thể, do không tổ chức HĐND tại 16 quận nên đang có sự lúng túng trong điều hành ngân sách ở các cấp.
Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh cho biết, đơn vị đang gặp khó khi triển khai các dự án từ nguồn kết dư ngân sách. Hiện nay, nguồn này đã chuyển về cho thành phố quản lý, muốn thực hiện các công trình, dù rất nhỏ cũng phải chờ thành phố rót vốn.
"Ngay cả những công trình rất nhỏ như sửa chữa vỉa hè vẫn phải chờ thành phố rót vốn, quận không chủ động được" - ông Lê Đức Thanh nói.
Phân tích về việc này, Giám đốc Sở Tài chính Tp.HCM Phạm Thị Hồng Hà cũng cho hay, khi thực hiện chính quyền đô thị tại Tp.HCM, 16 quận không còn là cấp chính quyền địa phương nên không còn là cấp ngân sách nữa mà quay trở về là đơn vị dự toán ngân sách. Điều này dẫn đến 2 khó khăn, vướng mắc.
Thứ nhất, ngân sách quận không còn dự phòng, kết dư, tăng thu và các khoản chi khác nên không chủ động khi thực hiện điều hành ngân sách đối với các khoản chi chưa được dự toán từ đầu năm.
Thứ 2, quy định cơ quan tài chính cùng cấp trước đây là Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu điều hành ngân sách, đến nay chuyển về Sở Tài chính. Điều này khiến Sở Tài chính Tp.HCM phát sinh thêm khối lượng công việc rất lớn.
Theo bà Phạm Thị Hồng Hà, khi xây dựng dự toán, Sở Tài chính phải rà soát khoản chi chi tiết của 16 quận và hơn 960 đơn vị sự nghiệp; bổ sung điều chỉnh ngân sách đối với 1.400 đơn vị của 16 quận. Ngoài công việc trước đây, một công chức thẩm kế phải phụ trách 80 - 160 đơn vị cấp quận.
Bà Phạm Thị Hồng Hà cũng cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm, Sở Tài chính nhận nhiều phản ánh của các quận về thiếu nguồn vốn sửa chữa đường hẻm, không chủ động sử dụng kết dư ngân sách để làm các dự án trong nghị quyết Đảng bộ quận đầu nhiệm kỳ”.
Về giải pháp, đại diện Sở Tài chính cho rằng, trước mắt thành phố đã bố trí gói điều hành chung về ngân sách khoảng 749 tỷ đồng để bổ sung cho khoản chi đột xuất phát sinh.
Ngành tài chính đang hướng dẫn các quận rà soát, xác định nguồn kết dư còn lại, đồng thời rà soát danh mục dự án đầu tư công cần thiết, đảm bảo điều kiện giải ngân để bố trí kinh phí, trước hết là nguồn kết dư còn giữ lại và sau đó là nguồn bổ sung từ ngân sách Tp.HCM.
Về lâu dài, Tp.HCM đã báo cáo Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính ngân sách đảm bảo chủ động của các quận theo 2 hướng. Một là đề xuất cơ chế đặc thù cho Tp.HCM, đối với ngân sách của 16 quận cho phép dự phòng ngân sách cấp quận, hướng này đã nhận đồng thuận của Bộ Tài chính.
Hai là nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh, bổ sung Luật Chính quyền địa phương theo hướng đa dạng hóa mô hình chính quyền địa phương đáp ứng điều kiện đặc thù phát triển kinh tế xã hội đối với các đô thị, nhất là Tp.HCM.
Sớm tháo gỡ điểm nghẽn thủ tục hành chính
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất để phát triển kinh tế - xã hội địa phương lúc này là thủ tục hành chính làm ách tắc dòng tiền.
Kinh tế Tp.HCM sau đại dịch Covid-19 phục hồi khá đồng bộ, gần chạm mốc so với trước dịch. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của các sở, ngành để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển thì thủ tục hành chính vẫn là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay.
"Điểm nghẽn này làm cho dòng tiền không được khơi thông, vốn không được đưa vào sản xuất, kinh doanh từ đó không tạo công ăn việc làm cho người dân, không tạo ra ngân sách cho thành phố", ông Mãi nói.
Theo ông Mãi, từ nay đến cuối năm, thành phố yêu cầu từng sở, ngành phải tập trung để tháo gỡ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tạo đà cho sự phát triển trong năm 2023.
Thông tin tại hội nghị, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM cho hay, 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 728.706 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ.
Từ mức giảm sâu ở quý III, IV năm 2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%, 6 tháng đầu năm 2022 tăng 3,82%; quý II năm 2022 ước tăng 5,73%, phục hồi tăng trưởng theo hình chữ V và đến nay đã ổn định.
"Điều này cho thấy quá trình phục hồi kinh tế đi đúng hướng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả tích cực, hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại như trước khi có dịch. Tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, các hoạt động thương mại, du lịch được khôi phục", bà Mai nói.
Theo bà Mai, dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đạt 556.488 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ.
Các chính sách mở cửa sau dịch, bình ổn giá phát huy được hiệu quả khi Tp.HCM tiếp tục triển khai các chương trình bình ổn thị trường năm 2021, tổ chức kết nối doanh nghiệp phân phối của Thành phố này với nguồn hàng tại các địa phương, khôi phục hoạt động các chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, ổn định thị trường.
Nhân Nguyễn
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/chu-tich-tphcm-phan-van-mai-thu-tuc-hanh-chinh-dang-lam-ach-tac-dong-tien-a11799.html