Tín hiệu phấn khởi toàn ngành
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 5/2022, xuất khẩu ngành hàng dệt may đã đem về cho Việt Nam gần 15 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước và cũng là 1 trong 6 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 5 tỷ USD.
Còn theo nhận định thị trường của Công ty Chứng khoán BSC, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đã có đơn đặt hàng đến quý II, thậm chí sang quý III/2022.
Đơn vị này cũng cho rằng các thương hiệu thời trang có thể lạc quan về triển vọng bán hàng khi nhu cầu mua sắm sau đại dịch tiếp tục tăng trưởng cùng với xu hướng chuyển dịch đơn hàng sang Việt Nam tiếp diễn sẽ đảm bảo giá trị đơn hàng tăng trưởng tích cực trong năm nay.
Về nguyên nhân của sự khởi sắc của ngành dệt may trong những tháng đầu năm, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã chỉ ra 3 lý do.
Thứ nhất, Trung Quốc đang thực hiện chính sách Zero - Covid nên đây cũng là một thuận lợi để dệt may Việt Nam có thêm nhiều đơn hàng khi đón nhận sự chuyển dịch đầu tư của các nước từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Thứ hai là với 14 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, mới nhất là hiệp định RCEP cũng bắt đầu có hiệu lực, đây chính là động lực để các doanh nghiệp mở rộng thị trường, cơ cấu lại thị trường.
Thứ ba là chính sách của Việt Nam kịp thời và đúng đắn, đẩy nhanh tốc độ tiêm phủ vắc-xin, mở cửa thị trường trong điều kiện vừa phòng chống dịch vừa tổ chức sản xuất...
Vì thế, các thị trường lớn của hàng dệt may Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… đều ghi nhận tăng trưởng dương. Bên cạnh đó là cơ hội từ các giải pháp đầu tư để phát triển chuỗi cung ứng nội địa, giảm bớt nhập khẩu. Hiện, các địa phương đều đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư này.
Đáng chú ý, xuất khẩu dệt may sang Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh. Hiện tại, đây là thị trường lớn thứ hai của dệt may Việt Nam, chỉ sau thị trường Mỹ.
Ba thách thức, khó khăn trước mắt
Song song đó, ngành dệt may Việt Nam cũng phải đối mặt với 3 thách thức lớn. Thách thức đầu tiên là chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đang bị ảnh hưởng nhất định của đại dịch, dẫn tới sự đứt gãy chuỗi cung ứng.
Tiếp theo đó là việc các nhãn hàng đều đưa ra yêu cầu về việc sử dụng sản phẩm tái chế, trong khi chuỗi cung ứng này của ngành dệt may Việt Nam còn nhiều hạn chế. Thách thức cuối cùng là về nguồn lực lao động.
“Việt Nam đã mở cửa hoạt động xuất khẩu lao động, mở cửa cho các ngành công nghiệp vào Việt Nam, từ đó mang lại cơ hội rất lớn cho người lao động nhưng đi kèm đó là thách thức cho các doanh nghiệp. Nếu không có các giải pháp có tính đầu tư chiến lược thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn”, ông Giang đánh giá.
Bên cạnh đó, dù thị trường dệt may đang khởi sắc, nhưng nhiều đối thủ của dệt may Việt Nam như Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ… cũng tăng tốc và có nhiều nỗ lực để bù đắp những thiếu hụt về kim ngạch trong năm 2021.
Đối với yêu cầu về sản phẩm tái chế, ông Vũ Đức Giang cho biết, hiện nay thị trường châu Âu đã đặt ra yêu cầu cụ thể cho giai đoạn 10 năm tới. Do đó, nếu doanh nghiệp không theo kịp xu hướng này thì sẽ gặp thách thức rất lớn.
Do đó, VITAS khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm sợi tái chế từ xơ tái chế nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu của các nhãn hàng.
“Các doanh nghiệp phải đầu tư đạt chuẩn mực theo hệ thống đánh giá của các nhãn hàng, về cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, hệ thống xử lý nước thải, môi trường làm việc cho người lao động… Việc đáp ứng được các yêu cầu này sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp. Cùng với đó là việc tuân thủ các chính sách về lao động”, ông Giang khuyến nghị.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp phải có kế hoạch đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất theo tiêu chí bảo vệ môi trường sắp áp dụng trên thị trường quốc tế.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, năm 2022, ngành dệt may ước đạt kim ngạch xuất khẩu từ 42 - 43,5 tỷ USD. Để đạt được kế hoạch này, một số giải pháp ngắn hạn đã được các đơn vị áp dụng như chuyển đổi chỉ số sợi, thay đổi mặt hàng, sản xuất các loại sợi pha mới để giảm nguyên liệu bông đầu vào.
Lê Hoàng
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/det-may-viet-nam-tang-truong-vuot-bac-trong-co-hoi-co-thach-thuc-a11664.html