Doanh nghiệp phục hồi, tạo việc làm cho người lao động
Ngày 10/6, hội thảo Tương lai nào cho người lao động nhìn từ góc độ an toàn tài chính và an sinh xã hội diễn ra tại Hà Nội và Tp.HCM với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp. Nhận định tại hội thảo, các chuyên gia đều cho rằng, cần phải có nhiều giải pháp nâng cao thu nhập cho người lao động.
Tại hội thảo, ông Phạm Quang Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần quốc tế Dony cho rằng, câu chuyện lo lắng về đời sống, về việc làm của người lao động là nỗi lo muôn thuở.
Trong giai đoạn hiện nay nỗi lo chính của người lao động không chỉ là lương cao hay lương thấp, mà còn là lo công việc không ổn định sau giai đoạn đại dịch.
"Chúng tôi luôn mong muốn công việc, thu nhập của người lao động luôn được ổn định. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra biến cố không đảm bảo được về tài chính, không có được công ăn việc làm thì có được chính sách hỗ trợ họ ngay để ổn định cuộc sống.
BHXH giải quyết tốt ngay lúc này là đảm bảo được mấy tháng lương bảo hiểm thất nghiệp cho họ khi mất việc. Việc làm này đã được giải quyết cực kỳ nhanh", ông Phạm Quang Anh nói.
Lý giải cho việc tại sao người lao động hay rút bảo hiểm một lần, ông Phạm Quang Anh cho rằng có liên quan đến việc người lao động nghỉ việc ở doanh nghiệp và ra ngoài.
Thực tế này gây ra sự đứt gãy tính liên tục trong đóng bảo hiểm và người lao động nghĩ sẽ không bao giờ vào công ty nữa và họ quyết định rút ra để có đồng vốn làm ăn. Bên cạnh đó, đảm bảo lợi ích cho người lao động đặc biệt là tính ngắn hạn, cần phải cân đối lợi ích trong đóng bảo hiểm ngắn hạn và dài hạn.
Từ đó, đại diện Công ty cổ phần quốc tế Dony kiến nghị các cơ quan BHXH cần tuyên truyền mạnh mẽ về câu chuyện đóng BHXH liên tục, thực hiện phương thức, thủ tục làm sao tinh giản để người lao động cảm thấy nhanh chóng và tiện ích.
“Lâu nay, người lao động không mấy khi làm việc với cơ quan BHXH, đa phần là doanh nghiệp đứng ra làm, bây giờ họ tự làm nên sẽ vướng mắc chỗ đó”, ông Phạm Quang Anh cho biết.
Bà Nguyễn Hồng Hà, đại diện Sở LĐ-TB&XH Tp.HCM cho biết, sau dịch bệnh Covid-19, Tp.HCM đã có rất nhiều chương trình, chính sách phục hồi kinh tế.
Cụ thể, ngay từ năm 2021, thành phố đã có Quyết định 3066 về việc xây dựng chính sách an sinh xã hội, phục hồi kinh tế xã hội như thế nào để bền vững.
Sở LĐ-TB&XH Tp.HCM cũng đã đề xuất những kế hoạch về an sinh xã hội. Với chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp, thành phố yêu cầu các sở ban ngành phải có hỗ trợ thực tế doanh nghiệp như thế nào về cải cách hành chính, giảm thiểu thủ tục hành chính tức thời cho doanh nghiệp; cơ quan thuế, ngành LĐ-TB&XH và lãnh đạo UBND các cấp giải quyết thủ tục hành chính trong ngày.
“Cơ quan BHXH giờ chuyển sang thủ tục hậu kiểm, hỗ trợ NLĐ quay trở lại thị trường, hỗ trợ thuê nhà được giải quyết trong ngày… Đó là những nội dung Tp.HCM thực hiện liên tục”, bà Hà nói.
Theo bà Hà, doanh nghiệp có phục hồi được thì người lao động mới đảm bảo việc làm. Do đó, chính sách BHXH làm sao để người lao động tiếp cận được ngay, là chính sách duy nhất, an sinh xã hội của Việt Nam.
Chính sách an sinh xã hội cần phải được triển khai đồng bộ
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Liên đoàn Lao động Tp.HCM cho biết, trong năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Tp.HCM diễn biến phức tạp.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ngừng hoạt động, hoặc sản xuất với còn dưới 30%, phải thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19, người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng về thu nhập, tiền lương và đời sống.
Thời gian tới, Liên đoàn sẽ chủ động giám sát về thực hiện các chế độ chính sách về lao động, bảo hiểm, phối hợp với doanh nghiệp xây dựng phương án đảm bảo sức khỏe cho đoàn viên người lao động, tập trung các điều kiện làm việc, chăm sóc y tế tại doanh nghiệp, tăng cường thêm ít nhất 10% giá trị bữa ăn ca cho người lao động, đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch theo yêu cầu của cơ quan y tế, công đoàn cấp trên hỗ trợ kịp thời các gia đình công nhân nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, nữ mang thai có hoàn cảnh khó khăn.
TS.Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, công nhân, người lao động đã xác định bản thân phải nỗ lực sản xuất kinh doanh hiệu quả để góp phần phát triển doanh nghiệp, phát triển đất nước.
Mấu chốt rất lớn và quan trọng để người lao động yên tâm làm việc là tiền lương và kinh tế vĩ mô. Phải làm thế nào để công nhân nâng cao được chất lượng cuộc sống của mình và gia đình.
Các cấp công đoàn đã xác định phải làm tốt hơn để đảm bảo quyền lợi về cả vật chất và tinh thần của người lao động để góp phần xây dựng doanh nghiệp cũng như phát triển kinh tế đất nước.
Ông Kiều Minh Sinh, Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho rằng, người lao động đang so sánh về chính sách bảo hiểm, đặc biệt là vấn đề tuổi nghỉ hưu để hưởng lương hưu.
Sau 2 năm ảnh hưởng đại dịch, đời sống người lao động còn rất nhiều khó khăn. Hiện nay, tiền lương thu nhập và chính sách tiền lương đang tăng dần để đảm bảo đời sống người lao động. Để hỗ trợ người lao động, theo ông Minh Sinh các chính sách an sinh xã hội đã có của nhà nước cần phải được triển khai đồng bộ cho người lao động.
Mặt khác, các chính sách về thiết chế cho người lao động cũng cần được duy trì và ổn định để người lao động đảm bảo đời sống và gắn kết lâu dài với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ, khuyến khích người lao động cần được chỉnh sửa đồng bộ, hạn chế sự dịch chuyển lao động.
Ngô Bình
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/chuyen-gia-doanh-nghiep-ban-giai-phap-nang-cao-thu-nhap-on-dinh-doi-song-cho-nguoi-lao-dong-a11615.html