Thi tốt nghiệp THPT 2022: Khó khăn trong việc chống gian lận

Các địa phương hiện nay đang tìm giải pháp thực hiện điểm mới liên quan đến vấn đề công tác an ninh cho kỳ thi.

Tại hội nghị trực tuyến về công tác thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 8/6, ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng thông tin những nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới.

Bảo mật ở tất cả các khâu

Hiện nay, Bộ đã triển khai đến các địa phương về các nội dung như ngân hàng câu hỏi thi, chuẩn bị ra đề thi; phần mềm hỗ trợ quản lý, tổ chức thi và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ tổ chức thi; công tác tập huấn; công tác đăng ký dự thi...

Tính đến 17 giờ ngày 5/6, tổng số phiếu đăng ký dự thi qua hệ thống trên cả nước năm nay là 1.002.486 thí sinh.

Đối với công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, chuẩn bị ra đề thi, thực hiện nguyên tắc độc lập và phân định rõ trách nhiệm giữa các khâu trong xây dựng, quản lý ngân hàng câu hỏi thi trong việc biên soạn, biên tập, thẩm định, định cỡ, lựa chọn và nhập dữ liệu câu hỏi.

Thực hiện rà soát ma trận đề thi của tất cả 15 môn thi, bảo đảm nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch Covid-19 các năm học 2019-2020, 2020-2021 và 2021-2022 sẽ không đưa vào đề thi năm nay.

Giáo dục - Thi tốt nghiệp THPT 2022: Khó khăn trong việc chống gian lận

Hội nghị diễn ra với mục địch thống nhất triển khai cho kỳ thi sắp tới

Ngân hàng câu hỏi thi được rà soát, hoàn thiện; lựa chọn câu hỏi đã có trong ngân hàng câu hỏi thi theo ma trận đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và viết bổ sung câu hỏi mới.

Đến tháng 6/2022, ngân hàng câu hỏi cơ bản bảo đảm cả về số lượng, chất lượng. Các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật ở tất cả các khâu, nhất là lựa chọn và nhập dữ liệu vào ngân hàng câu hỏi thi được thực hiện nghiêm.

Đối với công tác ra đề thi, Bộ GD&ĐT hoàn thiện hướng dẫn quy trình ra đề thi bảo đảm khách quan, bảo mật để thực hiện các khâu soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án; trong đó phân định rõ trách nhiệm của các cá nhân tham gia hội đồng ra đề thi.

Giáo dục - Thi tốt nghiệp THPT 2022: Khó khăn trong việc chống gian lận (Hình 2).

 Ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng thông tin tại hội nghị

Về các thiết bị phần mềm, Bộ đã tiến hành nâng cấp phần mềm hỗ trợ quản lý, tổ chức thi và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ tổ chức thi. Hệ thống đã hỗ trợ tốt cho việc đăng ký dự thi của kỳ thi theo hình thức trực tuyến.

Cục Quản lý chất lượng đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin tổ chức kiểm tra thử phần mềm hỗ trợ ra đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

"Bộ GD&ĐT cũng sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia đến kiểm tra công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ thi tại địa phương. Tiếp tục theo dõi công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tại các địa phương và chỉ đạo tổ chức thi theo đúng tiến độ, kế hoạch. Từ đó bảo đảm kỳ thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng. Tiếp tục triển khai truyền thông, gắn với các công việc cụ thể theo tiến trình tổ chức kỳ thi", ông Lê Mỹ Phong cho biết.

Khó thực hiện quy định chống gian lận

Một trong những điểm mới của kỳ thi năm nay đó là thí sinh phải để đồ dùng cá nhân cách xa phòng thi ít nhất 25 mét.

Nguyên nhân là bởi theo Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Cục phó Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 Bộ Công an) đánh giá tình trạng mua bán thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang vẫn diễn ra và sự gian lận bằng thiết bị công nghệ cao vẫn xuất hiện ở các kỳ thi.

Quan trọng hơn những thiết bị này ngày càng tinh vi và khó phát hiện, về cơ bản các thiết bị phát sóng điều khiển từ xa có thể thu nhận tín hiệu trong khoảng cách 20-25 mét. Trên cơ sở đó, phía cơ quan chức năng đã cảnh báo Bộ GD&ĐT về vấn đề này.

Giáo dục - Thi tốt nghiệp THPT 2022: Khó khăn trong việc chống gian lận (Hình 3).

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Cục phó Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 Bộ Công an)

Tuy nhiên, trước quy định này nhiều địa phương bày tỏ sự lo ngại trong công tác chuẩn bị cơ sở vật chất.

Là một trong những thành phố có lượng thí sinh dự thi đông nhất cả nước, ông ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM chia sẻ: “Là địa phương có quy mô thí sinh lớn, với 3616 phòng thi, có những điểm thi số lượng lên đến 800 thí sinh. Như vậy quy định nơi để vận dụng của các em thí sinh cách tối thiểu 25 mét rất khó thực hiện”.

Tại điểm cầu Hà Nội, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đánh giá, với diện tích khu vực thi, phòng thi hạn hẹp thì Hà Nội khó có thể bố trí một phòng để vật dụng của học sinh, trong đó có điện thoại ở mỗi điểm thi.

Bên cạnh đó, việc này có thể dẫn đến việc học sinh sau khi thi xong sẽ lấy nhầm đồ. Vì vậy, Hà Nội đề nghị được có phương án riêng nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho kỳ thi.

Nhiều địa phương hiện nay như Tp.Đà Nẵng đã tìm ra giải pháp với điểm thi khoảng cách từ nơi để vật dụng của thí sinh không đủ quy định 25 mét, Sở GD&ĐT sẽ bố trí mượn các trường lân cận để đặt vật dụng, túi xách của học sinh.

Về phía lãnh đạo ngành giáo dục, tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng nêu rõ đây là quy định buộc phải thực hiện để đảm bảo an toàn cho kỳ thi.

 

Nguyễn Hoa Trà

Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/thi-tot-nghiep-thpt-2022-kho-khan-trong-viec-chong-gian-lan-a11599.html