Đóng bảo hiểm 120 triệu, tất toán nhận hơn 36 triệu: Hiểu rõ sẽ không… sốc!

Theo ĐBQH Lê Minh Nam, có trường hợp báo chí phản ánh khách hàng bị sốc khi tất toán hợp đồng bảo hiểm nên cần thống nhất thuật ngữ chuyên môn.

Thiệt hại bên mua là chủ yếu

Tiếp tục Chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, chiều 27/5/2022, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Cho ý kiến về dự án luật, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh tầm quan trọng của sự chuẩn mực trong hợp đồng bảo hiểm. Ông cho rằng hợp đồng bảo hiểm rất quan trọng khi nó bảo vệ hài hoà lợi ích, bình đẳng và quyền lợi chính đáng giữa người mua bảo hiểm và bên cung cấp dịch vụ bảo hiểm.

Tiêu điểm - Đóng bảo hiểm 120 triệu, tất toán nhận hơn 36 triệu: Hiểu rõ sẽ không… sốc!

ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng nhiều người mua bảo hiểm khi ký hợp đồng bảo hiểm thường không đọc hoặc xem kỹ.

Tuy nhiên, đại biểu đoàn Đồng Tháp cho rằng nhiều người mua bảo hiểm khi ký hợp đồng bảo hiểm thường không đọc hoặc xem kỹ mà chỉ ký tên vào hợp đồng. Bên bán bảo hiểm thường ghi nội dung có lợi cho mình, nên khi có sự cố xảy ra thiệt hại bên mua là chủ yếu.

Đồng quan điểm với ông Hoà, đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) cho rằng, cần xem xét, thống nhất các thuật ngữ sử dụng khi ban hành các quy tắc bảo hiểm, thông tin giới thiệu, chào bán sản phẩm, cũng như ký kết hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ.

Đại biểu đoàn Hậu Giang cho biết, một số trường hợp người mua bảo hiểm đọc nhưng không hiểu rõ cặn kẽ toàn diện các điều khoản cam kết nên mơ hồ cả về quyền và nghĩa vụ, dẫn đến nguy cơ bị từ chối chi trả bảo hiểm, hợp đồng bị vô hiệu hoặc nhận được quyền lợi không được như kỳ vọng ban đầu.

“Có trường hợp báo chí phản ánh khách hàng bị sốc khi tất toán hợp đồng bảo hiểm đóng 120 triệu đồng song tất toán nhận về hơn 36 triệu đồng. Khách hàng cảm thấy bị lừa khi cho rằng doanh nghiệp đánh tráo khái niệm”, ông Nam lấy dẫn chứng.

Tiêu điểm - Đóng bảo hiểm 120 triệu, tất toán nhận hơn 36 triệu: Hiểu rõ sẽ không… sốc! (Hình 2).

ĐBQH Lê Minh Nam phát biểu tại hội trường.

Theo ông Nam khi khách hàng hiểu rõ khái niệm thì rất có thể sẽ không mua bảo hiểm hoặc nếu có hiểu rõ thì sẽ không sốc đến như vậy.

“Cần có quy định trong luật nội dung yêu cầu thống nhất thuật ngữ chuyên môn có tính chất chuẩn mực chung, được việt hoá rõ ràng. Các doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ ràng, đầy đủ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được giải thích đầy đủ các nội dung liên quan, những nghĩa vụ, quyền lợi khi giao kết hợp đồng”, ông Nam kiến nghị.

Cấm các hành vi cố tình từ chối hoặc chây ì bồi thường

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (đoàn Vĩnh Phúc) cho biết, Dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý rất  kỹ.

Đồng thời, đáp ứng được các yêu cầu đề ra khi sửa đổi theo hướng là tăng cường trao quyền cho các doanh nghiệp bảo hiểm, nâng cao chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp, thúc đẩy tính minh bạch và phát triển lành mạnh của thị trường.

Tiêu điểm - Đóng bảo hiểm 120 triệu, tất toán nhận hơn 36 triệu: Hiểu rõ sẽ không… sốc! (Hình 3).

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung cho rằng, cần sửa theo hướng là cấm các hành vi cố tình từ chối hoặc chây ỳ bồi thường trả tiền bảo hiểm.

Đại biểu Dung cho rằng, sau khi trình Quốc hội xem xét, dự thảo Luật sẽ giúp các doanh nghiệp được phép tự chủ hơn, chất lượng hoạt động sẽ được nâng cao cùng với các yêu cầu rất khắt khe về tỉ lệ an toàn vốn, về công bố thông tin cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm chuẩn hóa hoạt động trong các giao dịch của mình. Tuy nhiên, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải tăng cường hoạt động giám sát của mình.

Nữ đại biểu cũng cho rằng, các quy định về nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm vẫn chưa thực sự rõ ràng, chưa đạt được mục tiêu tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Đại biểu đề nghị đối với nhân sự chủ chốt của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm cần được quy định rõ trong luật nhằm đảm bảo tính minh bạch, thống nhất tương tự như quy định của Luật chứng khoán và Luật các tổ chức tín dụng. 

“Tôi cho rằng với lịch sử hình thành của ngành bảo hiểm cũng như trình độ phát triển hiện nay, nhất là trong bối cảnh đang hội nhập sâu rộng, những quy định nào có thể luật hóa được thì nên quy định ngay trong luật sẽ phù hợp hơn”, đại biểu Mai Dung nêu ý kiến.

Tại Điều 9 về các hành vi bị nghiêm cấm, nữ đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị chỉnh sửa Điểm c, Khoản 4 chỉ quy định theo hướng là nghiêm cấm các hành vi gian lận thôi là chưa hợp lý, cần sửa theo hướng là cấm các hành vi cố tình từ chối hoặc chây ì bồi thường trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra mà không có lý do hợp pháp.

Hoàng Thị Bích

Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/dong-bao-hiem-120-trieu-tat-toan-nhan-hon-36-trieu-hieu-ro-se-khong-soc-a11382.html