Theo dấu “cát tặc”
Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều chuyến xe ben tải trọng lớn chở cát, đá lưu thông liên tục trên Quốc lộ 28B, đoạn qua địa bàn xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.
Khi PV thắc mắc thì được người dân cho biết, những chuyến xe này chở cát khai thác từ một ví trị nằm sâu trong khu vực đồi thuộc bãi 1, thôn Tà Mon, xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình.
Lần theo đường đi của một chiếc xe Ben mang BKS: 86C – 13471 đi ra từ con đường bên hông cửa hàng vật liệu xây dựng Trung Trâm nằm trên mặt tiền Quốc lộ 28B, xã Phan Lâm, PV phát hiện một khu vực khai thác cát, với máy múc, máy hút và dụng cụ sàng cát hoạt động liên tục.
Trưa 29/3, trong vai người đi mua đất, PV tiếp cận địa điểm khai thác cát trái phép này là một bãi đất bằng phẳng nằm ngay một con suối tại thôn Tà Mon, xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình.
Tại khu vực khai thác cát lậu này, có hai người đang dùng máy múc, máy bơm và dụng cụ sàng để phân loại cát, đất và đá. Phía trên bãi đất trống là hàng trăm m3 cát xây dựng đã được phân loại.
Việc múc và sàng hàng trăm m3 cát mỗi ngày ngay trên con suối đã khiến dòng nước đục ngầu, ồ ạt chảy xuống khu vực trũng bên dưới gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Cạnh bờ suối là những chiếc hố bị đào nham nhở, băm nát cảnh quan và môi trường nơi đây.
Những người làm việc tại bãi cát tặc này ban đầu tỏ ra thận trọng, và dò hỏi PV đi đâu. Khi trao đổi, PV đóng vai người đi mua đất, họ lại tiếp tục dùng máy móc để móc cát từ lòng suối và tiếp tục phân loại, hút cát lên bãi đất bên cạnh.
Chiều 29/3, PV tiếp tục trở lại khu vực khai thác cát trái phép nói trên. Việc khai thác cát vẫn tiếp tục diễn ra công khai. Những người làm việc tại đây khá thoải mái. Họ còn cho biết, khu vực khai thác này thuộc dự án đập Sông Luỹ và yêu cầu không chụp hình khu vực khai thác cát.
Qua 2 ngày theo dõi, PV ghi nhận mỗi ngày có gần 20 chuyến xe tải, xe máy cày chở đất, cát đi bán cho cho dân bản địa và về bãi tập kết tại cửa hàng vật liệu xây dựng Trung Trâm nằm trên Quốc lộ 28B xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình.
Một người dân ngụ xã Phan Lâm cho biết, những chiếc xe tải hạng nặng, chở theo đất, cát khai thác trái phép tại khu vực ấp Tà Mon, xã Phan Sơn vẫn hằng ngày lưu thông trên con đường bê tông liên thôn từ xã Phan Sơn sang xã Phan Lâm khiến con đường quá tải, bị cày nát và xuất hiện nhiều “ổ voi”, thậm chí có những đoạn đã hư hỏng nghiêm trọng.
Những chiếc xe tải, xe ben chở đất và “cát tặc” này hoạt động cả ngày đêm, nhưng không bị bất cứ ai xử lý.
Có việc “bảo kê cát tặc”?
Sau khi có đầy đủ hình ảnh, video việc khai thác cát trái phép, sáng 30/3, PV tiếp tục đến khu vực khai thác cát trái phép tại thôn Tà Mon, nhưng lần này chỉ đứng ở nơi khuất để quan sát, tránh việc để các đối tượng khai thác cát trái phép phát hiện.
Tại hiện trường, thời điểm này vẫn có máy múc, máy hút cát hoạt động. Ngoài ra, hiện trường còn có một chiếc xe ben tải trọng lớn mang BKS 86C – 13471 chạy vào và chờ được múc cát để chở đi. 9h30 sáng 30/3, PV gọi điện trực tiếp cho ông Huỳnh Duy Khôi – Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình để phối hợp xử lý.
Điều lạ lùng là chỉ khoảng 2 phút sau, chiếc xe ben bỏ chạy khỏi hiện trường; chiếc xe múc cũng lên khỏi hố khai thác, nhanh chóng lẩn vào rừng điều cạnh đó.
Những công nhân tham gia làm việc tại bãi cát lậu cũng nhanh chóng rời đi. Tất cả những động thái bỏ trốn khỏi hiện trường của “đội quân cát tặc” đã được PV ghi lại bằng hình ảnh.
Dù PV chỉ gọi phản ánh hiện tượng khai thác cát trái phép cho một mình Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình là ông Huỳnh Duy Khôi, nhưng bằng cách nào “đội quân cát tặc” biết và rời đi nhanh chóng, dù trước đó họ vẫn khai thác rầm rộ ngay trước mắt PV. Vậy ai đã “mật báo” cho nhóm khai thác cát trái phép này?.
Và dù ông Huỳnh Duy Khôi cho biết, sẽ cử người đến ngay hiện trường để xử lý, nhưng phải đến gần 2 tiếng đồng hồ sau, một tổ công tác gồm Chủ tịch xã, Công an xã Phan Sơn và 2 đồng chí Công an xã Phan Lâm mới có mặt.
Trao đổi với PV, ông K’Bảy - Chủ tịch UBND xã Phan Sơn nói rằng, ông biết việc khai thác cát trái phép này và đã diễn ra gần 2 tháng. “Việc khai thác cát là để lấy cát phục vụ xây dựng 2 trường học và phục vụ các công trình xây dựng dân sinh do trên địa bàn đang thiếu cát”, ông K’bảy nói.
Tuy nhiên, khi PV hỏi xây dựng 2 trường học nào thì Chủ tịch xã Phan Sơn không nói. Đến khi PV chất vấn về việc nếu xây trường học ở xã Phan Sơn sao không chở cát đã khai thác về địa bàn xã Phan Sơn mà chở về xã Phan Lâm thì ông K’Bảy mới thừa nhận sai sót.
Khi PV hỏi việc khai thác cát phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép mới được hoạt động, sao chính quyền lại để người dân công khai “ăn cắp” khoáng sản quốc gia?. Ông K’ Bảy thừa nhận là sai và xin ý kiến lãnh đạo để xử lý triệt để tình trạng này trong vòng 1 tuần.
Một điều đáng nói nữa là khi PV chỉ địa điểm chiếc xe múc bỏ chạy khỏi hiện trường đang nằm trong vuờn điều của dân, cách hiện trường 300m và tại hiện trường khai thác cát vẫn còn có hệ thống máy bơm, hút và dụng cụ sàng cát nhưng đoàn kiểm tra không có bất cứ một động thái lập biên bản nào.
Dù theo quy định đây là những tang vật phải tịch thu do hành vi “ăn cắp” khoáng sản quốc gia.
Đem thắc mắc việc có hay không hành vi “bảo kê” cho khai thác cát trái phép trên địa bàn xã Phan Sơn, PV trực tiếp làm việc với ông Huỳnh Duy Khôi – Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình. Khi đề cập đến việc khai thác cát và ai là người “mật báo” cho những người khai thác cát trái phép ngay sau khi PV gọi thì ông Khôi tỏ ra lúng túng và cho biết việc xử phạt phải bắt quả tang hoặc phải có hình ảnh.
Đến khi PV cung cấp hình chụp, video cho ông Khôi và đồng chí Nguyên – cán bộ Công an huyện Bắc Bình thì ông Khôi hứa sẽ xử lý triệt để.
Cũng theo vị Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình, việc “phạt nguội” đơn vị khai thác cát trái phép tại xã Phan Sơn nếu có hình ảnh, video vẫn có thể thực hiện. Đồng thời, ông Khôi cũng hoan nghênh sự phối hợp giữa PV và UBND huyện, hứa sẽ chỉ đạo xử lý và thông tin kết quả xử lý cho cơ quan báo chí.
Theo khoản 2, Điều 48, Nghị định 36/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, đối với hành vi khai thác cát, sỏi ngoài phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; hành lang bảo vệ luồng; phạm vi luồng hoặc trong phạm vi bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đến 150 triệu đồng tuỳ khối lượng khai thác cát.
Ngoài ra, đối tượng khai thác cát trái phép sẽ bị phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ khoáng sản được quy đổi bằng tiền; tịch thu phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 của Điều 48.
Bên cạnh đó, buộc cái tạo, phục hồi môi trường, thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác về trạng thái an toàn; đền bù, trả kinh phí khắc phục, sửa chữa những hư hỏng của công trình đê điều, công trình hạ tầng kỹ thuật khác, công tình dân dụng do hành vi vi phạm gây ra; buộc trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và xác minh trong trường hợp có hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 của điều này.
Công Thư
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/binh-thuan-nhuc-nhoi-nan-khai-thac-cat-trai-phep-a10888.html