Ghi nhận của PV, qua nửa năm "mở cửa", thị trường tại Tp.HCM đã sôi động trở lại khi các hệ thống bán lẻ tăng cường đổi mới công nghệ, cách tiếp cận khách hàng,…từ sau giai đoạn cao điểm phòng chống dịch Covid-19.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên, 32 tuổi, ngụ quận 1 cho biế: “Từ khi dịch bệnh xuất hiện, tôi có thói quen đi mua hàng tại siêu thị mỗi tuần từ 2-3 lần. Hiện nay, tất cả các mặt hàng cần dùng cho gia đình đều được bày bán phong phú, đa dạng tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Giá các loại thực phẩm tươi sống, đồ gia dụng trong các siêu thị hiện đại cũng tươi ngon và còn giảm giá nên giúp người tiêu dùng tiết kiệm thêm chi tiêu hàng ngày”.
Còn chị Trần Thị Hương, 29 tuổi, trú quận Phú Nhuận cho hay, bản thân đã không đi chợ hằng ngày như trước. Thay vào đó, chị Hương chuyển sang đặt hàng trên app mua sắm trực tuyến.
Rút kinh nghiệm từ những lần đặt hàng ban đầu, phải 2-4 giờ mới được nhận, chị Hương chuyển sang đặt hàng vào tối hôm trước. Chỉ một vài thao tác đơn giản trên điện thoại di động, sáng sớm hôm sau, chị Hương đã có một giỏ hàng với đầy đủ nguyên liệu thực phẩm cho bữa cơm gia đình, đồ gia dụng cần thiết mà không phải đến chợ.
Điển hình như mô hình của Công ty cổ phần Vựa miền Trung, sau thành công tại Tp.Đà Nẵng với 20 siêu thị, doanh nghiệp này đẩy mạnh giới thiệu đến cộng đồng người tiêu dùng ứng dụng FuMart tại thị trường Tp.HCM.
Hệ thống siêu thị điện tử này mong muốn hỗ trợ các đơn vị kinh doanh và người tiêu dùng thuận tiện kết nối, cung ứng hàng hóa, đáp ứng tốt mọi nhu cầu mua sắm thương mại từ góc độ ứng dụng công nghệ số hóa toàn diện.
Trước mắt, 2 siêu thị FuMart tại Tp.Thủ Đức là Vinhome Grand Park và chung cư Sky 9 đang được đầu tư thành mô hình mẫu để doanh nghiệp mở rộng hệ thống chi nhánh bằng cách nhượng quyền thương hiệu.
Ông Đào Nguyên Nghị, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vựa miền Trung cho biết: “Hiện nay, công ty đang thúc đẩy xây dựng hợp tác với nhà cung cấp hàng hóa để cung úng hàng hóa đa dạng, phong phú bên cạnh việc thiết lập các kho lưu trữ, logicstics khép kín”.
Cách vận hành kết hợp online và offline này là cách nâng cao cạnh tranh, thu hút và giữ chân khách hàng của những các đơn vị kinh doanh bán lẻ. Các chính sách ưu tiên, ưu đãi cho khách hàng liên tục được cập nhật như miễn phí giao hàng 5-10 đơn đầu hoặc miễn phí giao hàng trong bán kính lên đến 10km, giao hàng thực phẩm tươi sống; mua hàng với hóa đơn mức giá trị nhất định sẽ được mua thêm món hàng khác với “giá sốc”, được tích điểm để quy đổi giá trị tiền cho lần mua hàng sau…
Theo thống kê của Sở Công Thương Tp.HCM, tính đến tháng 4/2022, toàn địa bàn Tp.HCM có 46 trung tâm thương mại, 237 siêu thị, hơn 3.000 siêu thị mini và cửa hàng bán lẻ hiện đại/cửa hàng tiện lợi, 236 chợ truyền thống.
So với thời điểm cuối năm 2015, mạng lưới phân phối hàng hóa của Thành phố này tăng thêm 6 trung tâm thương mại, 56 siêu thị, gần 2.200 cửa hàng tiện lợi và giảm 4 chợ.
Hệ thống phân phối hiện đại của Tp.HCM được đánh giá có quy mô lớn nhất cũng như đa dạng và phong phú về loại hình nhất cả nước.
Dự kiến đến năm 2025, Tp.HCM sẽ phát triển thêm 67 siêu thị, 81 trung tâm thương mại; giữ nguyên hiện trạng 200 chợ, phát triển thêm 17 chợ; giải tỏa, di dời, chuyển công năng của 37 chợ...
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM đánh giá: “Việc phát triển hệ thống bán lẻ tại Tp.HCM góp phần giúp khách hàng có thêm nhiều lựa chọn, các doanh nghiệp cũng có thể cạnh tranh công bằng để đưa đến những sản phẩm giá cả phải chăng với chất lượng tốt.
Về lâu dài, các doanh nghiệp nội muốn giữ vững thị trường nội địa vẫn cần chọn đầu tư những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nâng chất sản phẩm để có tính cạnh tranh cao”.
Nhân Nguyễn
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/tphcm-doanh-nghiep-ban-le-no-luc-chiem-the-chu-dong-hau-covid-19-a10853.html