Ngày 25/3, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Huy Bình, Trưởng Phòng Kế hoạch đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Tp.HCM cho biết về tiến độ dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Tp.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1, một dự án rất quan trọng của Tp.HCM có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư.
Theo ông Bình, tới thời điểm hiện tại, dự án đang triển khai thi công và hoàn thành khoảng 90%. Về một số vấn đề liên quan đến thủ tục, tái cấp vốn, UBND Tp.HCM đã quyết liệt chỉ đạo các Sở, ngành liên quan tập trung để giải quyết và làm việc với các Bộ, ngành Trung ương, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan để hoàn thành tất cả các thủ tục liên quan.
Đến nay, các thủ tục với Trung ương cơ bản đã hoàn thành, Tp.HCM đang điều chỉnh phụ lục hợp đồng để triển khai các bước tiếp theo. Quyết tâm của Thành phố này là sẽ hoàn thành cơ bản tại hiện trường trong năm 2022 và năm 2023 sẽ hoàn thành các công tác quyết toán liên quan.
Theo đó, dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Tp.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1 được phê duyệt tại Quyết định số 5967/QĐ-UBND ngày 12/11/2015 của UBND Tp.HCM
Dự án này có mục tiêu góp phần giải quyết vấn đề ngập do triều cường trên địa bàn Tp.HCM với diện tích khoảng 570 km2 và khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm Tp.HCM.
Quy mô chính của dự án là đầu tư xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn gồm các cống Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định, các cống nhỏ và khoảng 6 km đê kè xung yếu khu vực sông Sài Gòn trên cơ sở nâng cao trình của những vùng trũng thấp.
Sau khi hoàn thành, hệ thống công trình có thể điều tiết mực nước khoảng 1 - 1,2m, để vừa chống ngập khi triều lên vừa góp phần cải tạo cảnh quan và môi trường nước trong khu vực dự án.
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Tp.HCM còn cho hay, Tp.HCM là một trong 10 thành phố có nguy cơ ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu cao nhất thế giới.
Theo dự báo, khi biến đổi khí hậu xảy ra trên diện tích bị ngập của Thành phố này đến cuối thế kỷ XXI lần lượt là 128 km2, 204 km2 và 473km2 tương ứng với mực nước biển dâng là 65cm, 75cm và 100cm; khả năng để kiểm soát ngập 100% là điều không thể thực hiện được nên cần phải tiếp tục nghiên cứu triển khai một chiến lược quản lý ngập lụt một cách bền vững, thân thiện với môi trường và ít tốn kém nhất.
Ngày 25/1/2021, UBND Tp.HCM đã ban hành Quyết định số 299/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án chống ngập và xử lý nước thải Tp.HCM giai đoạn 2020 - 2045 và Kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 – 2030. Đề án này được xây dựng dựa trên các quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt với thời gian quy hoạch đến năm 2020 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về định hướng, quy hoạch chống ngập và xử lý nuớc thải Tp.HCM giai đoạn 2020 – 2045 đặt chỉ tiêu 80% đô thị được hưởng dịch vụ thoát nước; 80% tổng lượng nước thải trở lên được thu gom, xử lý đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn trước khi xả thải ra môi trường trong giai đoạn năm 2020 – 2025.
Đồng thời, Tp.HCM sẽ nghiên cứu, cập nhật và hoạch định cốt nền cho từng khu vực, từng quận huyện… đảm bảo phù hợp quy hoạch xây dựng chung, phù hợp quy hoạch thoát nước.
Đồng thời, lập quy hoạch chuyên biệt cho hệ thống thoát nước mưa bao gồm xác định hệ thống thoát nước chính nhằm… đảm bảo yêu cầu thoát nước khi mưa cũng như ứng phó với các kịch bản của biến đối khí hậu, mực nước biển dâng.
Mặt khác, thực hiện các dự án, hoàn thiện quy hoạch hệ thống thoát nước trong khu vực 581,52km2; đồng thời xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước tại khu vực ngoại vi mở rộng quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Bình Tân, Tp.Thủ Đức và quận 7.
Giai đoạn từ 2026 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tp.HCM phấn đấu có 90% dân số đô thị được hưởng dịch vụ thoát nước; 95% tổng lượng nước thải trở lên được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường.
Nguyễn Thành Nhân
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/tphcm-du-an-chong-ngap-10000-ty-dong-se-hoan-thanh-trong-nam-nay-a10513.html