Mở cửa du lịch từ 15/3: Đánh thức bất động sản nghỉ dưỡng sau “kỳ nghỉ dài”

Dịch bệnh Covid-19 đã khiến thị trường bất động sản du lịch điêu đứng, tuy nhiên, năm 2022 phân khúc này được dự đoán sẽ “sống dậy”.

Bất động sản nghỉ dưỡng: 2 năm điêu đứng vì "bão Covid"

Những năm gần đây, các sản phẩm bất động sản mới xây dựng trên đất thương mại dịch vụ phục vụ du lịch đã xuất hiện trên thị trường như khách sạn (hotel), căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), nhà phố du lịch (shoptel), nhà nghỉ du lịch (hostel), nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay)… Các sản phẩm trên được gọi chung là bất động sản du lịch hoặc bất động sản nghỉ dưỡng. Mặc dù phân khúc này ngày càng phổ biến nhưng dưới góc độ pháp lý, hiện vẫn chưa có khái niệm và quy định riêng về bất động sản du lịch. 

2021 là một năm đầy khó khăn với bất động sản du lịch. Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực kinh tế, gây đình trệ, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh, sản xuất của nhiều ngành và bất động sản cũng không phải ngoại lệ. Hầu hết dự án phát triển bất động sản trên cả nước đều phải dừng xây dựng, thi công vì giãn cách xã hội và đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu.

Trong các phân khúc thì bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Thanh khoản của các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng gồm condotel, biệt thự biển, shophouse biển suy giảm suốt 2 năm qua. Trong đó, thị trường condotel có kỳ ngủ đông kèo dài khi nhiều tháng không có giao dịch phát sinh.

Hưởng lợi từ sức nóng du lịch nội địa

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sang năm 2022, bất động sản du lịch có rất nhiều cơ hội để "nổi sóng". Trước hết, ngoài những tác động tiêu cực, Covid-19 cũng làm thay đổi lối sống của người tiêu dùng, khiến ngày càng nhiều người có xu hướng đầu tư vào bất động sản du lịch, coi đó là ngôi nhà thứ hai để nghỉ dưỡng an toàn.

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch,  chỉ 9 ngày nghỉ lễ Tết Nguyên Đán 2022 đã đón và phục vụ 6,1 triệu lượt du khách nội địa và thu về lượng doanh thu ước tính đạt hơn 25.000 tỷ đồng. Những con số “biết nói” trên cũng phần nào thể hiện nhu cầu di chuyển cao của người dân cũng như triển vọng bật dậy của ngành nhờ yếu tố nội địa.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng đang được hưởng lợi từ sức nóng của du lịch trong nước. Nghiên cứu của Savills ghi nhận sự cải thiện của công suất cho thuê và giá thuê trung bình phân khúc khách sạn trong những tháng cuối năm 2021. Tương tự, nguồn cung tương lai tại thị trường Hà Nội đang trong đà tăng, tính từ năm 2022 trở đi.

Bất động sản - Mở cửa du lịch từ 15/3: Đánh thức bất động sản nghỉ dưỡng sau “kỳ nghỉ dài”

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ hồi phục với những xu hướng mới, bắt đầu xuất hiện nhiều tổ hợp du lịch quy mô, chức năng đa dạng.

Trao đổi với báo VOV, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng của miền Bắc, bên cạnh các thành phố phát triển mạnh về du lịch như Hạ Long, chúng tôi nhận thấy số lượng lớn dự án đang được phát triển ở các vùng ngoại thành và xung quanh thành phố Hà Nội như Hoà Bình và Thanh Hoá.

“Xu hướng này cũng dễ hiểu, bởi việc di chuyển của người dân tới các quận/huyện ngoại thành đang trở nên thuận tiện hơn nhiều. Nhờ vào hạ tầng và mạng lưới giao thông ngày càng phát triển, người dân cũng sẽ lựa chọn những địa điểm nghỉ dưỡng gần và xung quanh Hà Nội vào những ngày cuối tuần. Vì vậy, chúng tôi đang rất kỳ vọng vào những dự án phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tại các khu vực lân cận” - ông Matthew nói.

Đặt yếu tố nội địa làm động lực phát triển chính, ngành du lịch Việt Nam đang cho thấy tình hình hoạt động đầy khả quan trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, chuyên gia Savills cũng nhấn mạnh vào nguồn khách quốc tế với vai trò như một đòn bẩy mạnh mẽ cho sự bật dậy của thị trường du lịch Việt Nam.

Mở đường bay quốc tế sẽ là “cú hích”? 

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 49.200 lượt người, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không chiếm 87,8%.

Các đường bay quốc tế sẽ hoạt động bình thường trở lại từ ngày 15/3, đi kèm chương trình “Hộ chiếu vắc-xin”. Với 79 quốc gia và vùng lãnh thổ được Việt Nam công nhận hộ chiếu vắc-xin tính đến ngày 16/2, quyết định mở cửa du lịch toàn quốc sẽ thu hút lượng lớn du khách nước ngoài quay trở lại Việt Nam, góp phần khuấy động các hoạt động du lịch của quốc gia.

Thị trường bất động sản trở nên sôi động hơn, không chỉ ở phân khúc khách sạn, nghỉ dưỡng mà còn ở phân khúc căn hộ dịch vụ.

Nghiên cứu của Savills chỉ ra rằng các chuyên gia Nhật Bản và Hàn Quốc là khách thuê chính tại các căn hộ dịch vụ hạng A, với 79% thị phần trong nửa đầu 2021 và tăng lên 84% trong 2 quý còn lại của năm 2021.

Theo ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam: “Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ chảy vào Việt Nam trong năm qua phần nào khẳng định số lượng lớn các chuyên gia quốc tế đang và sẽ làm việc tại quốc gia. Một khi đường bay quốc tế được nối lại hoạt động, họ sẽ đến nước ta để công tác dài hạn, góp phần đưa phân khúc căn hộ dịch vụ quay trở lại đà tăng trưởng”.

Bất động sản - Mở cửa du lịch từ 15/3: Đánh thức bất động sản nghỉ dưỡng sau “kỳ nghỉ dài” (Hình 2).

Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.Ảnh: Người Lao Động. 

Theo Khảo sát người mua toàn cầu năm 2021, hệ thống chăm sóc sức khỏe, chất lượng không khí và không gian xanh là những tiêu chí hàng đầu để người dân lựa chọn nơi sinh sống. Bởi vậy, Savills dự đoán những căn hộ dịch vụ thương hiệu sẽ có lợi thế lớn khi sở hữu những chương trình hợp tác với các tổ chức y tế để đảm báo an toàn và nâng cao sức khỏe của cư dân tại dự án.

Mặc dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia, với nguồn cầu sẵn từ trong nước và quốc tế, triển vọng của bất động sản nghỉ dưỡng và căn hộ dịch vụ sẽ còn phụ thuộc nhiều vào chiến lược của Chính phủ cùng diễn biến tình hình dịch bệnh trong thời gian tới.

Mức giá thu hút nhà đầu tư 

Tại hội thảo về BĐS nghỉ dưỡng vừa diễn ra ở Tp.Đà Nẵng tổ chức mới đây, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, cho rằng BĐS nghỉ dưỡng có 2 lực đẩy để hồi phục. Đó là cung cầu đang ở mức hợp lý, do 2 năm qua rất ít dự án mới triển khai. Thứ hai là sự phục hồi của ngành du lịch, thu hút ngày càng nhiều du khách trở lại Việt Nam, kéo theo đó là nhiều tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng quy mô, cũng như nhiều đô thị lớn sẽ thu hút nhà đầu tư quay lại phân khúc này nhằm tìm kiếm lợi nhuận trong tương lai.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, nhận định nhiều địa phương sau thời gian ngưng trệ hoạt động vì đại dịch Covid-19 rất khao khát mở cửa, phục vụ du khách. Với lực đẩy từ gói hỗ trợ kích thích kinh tế, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng chắc chắn sẽ như chiếc lò xo bị nén, bật mạnh sau nhiều năm "ngủ đông". Đặc biệt, nếu so về giá thì BĐS nghỉ dưỡng tại các dự án chưa tăng quá nhiều so với đất vườn, đất vùng ven trong 2 năm qua. Đó là lý do để phân khúc này thu hút nhà đầu tư trở lại.

Cụ thể, nếu ở phân khúc căn hộ tại Tp.HCM, Hà Nội hay đất vùng ven, đất nông nghiệp, đất vườn tăng mạnh vài chục phần trăm trong 2-3 năm qua thì căn hộ condotel, biệt thự nghỉ dưỡng… tại các dự án du lịch chỉ tăng nhẹ 3%-5% trong 2 năm qua. Vì vậy, dư địa để BĐS du lịch phát triển mạnh mẽ về cả cung cầu và giá cả từ nay đến năm 2025 là rất lớn.

Ông Đặng Quốc Việt, Giám đốc Công ty BĐS Smartland - chuyên phân phối phân khúc BĐS nghỉ dưỡng cho các dự án trên toàn quốc, cho hay thực tế trong 2 năm đại dịch, nhiều dự án BĐS đình trệ, dừng triển khai nhưng một số dự án chuyên về thị trường BĐS nghỉ dưỡng vẫn có thể thu hút được khách thông qua bán hàng online, bởi đó là dự án ở vị trí đắc địa nên tỉ lệ hấp thụ rất tốt, nhất là ở Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh…

Thậm chí những biệt thự biển có vị trí đẹp, mở bán âm thầm với giá trung bình 28-45 tỷ đồng, đặc biệt có những căn lên đến 120 tỉ đồng nhưng vẫn có khách săn đón. "Khách mua chủ yếu là những người có dòng tiền ổn định. Họ mua để ở kết hợp khai thác sau 1-3 năm. Đa phần các khách hàng này rất trung thành, đi theo các chủ đầu tư uy tín, đúng tiến độ nhiều năm, nhiều dự án" - ông Việt thông tin. Theo dự đoán của ông Việt, năm 2022 và những năm tiếp theo, thị trường BĐS nghỉ dưỡng sẽ bùng nổ trở lại, bởi hiện tại nhiều chủ đầu tư lớn vẫn âm thầm triển khai dự án, chỉ chờ thời điểm thích hợp để công bố.

 

Hương Anh (tổng hợp) 

Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/mo-cua-du-lich-tu-153-danh-thuc-bat-dong-san-nghi-duong-sau-ky-nghi-dai-a10238.html