Bài 2: Bác sĩ trẻ ngày điều trị F0, tối đồng hành hỗ trợ bệnh nhân qua điện thoại

Ngày căng mình điều trị F0, buổi tối các bác sĩ trẻ vẫn tiếp tục mở máy điện thoại để tư vấn cho những người mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà.

NHỮNG CHIẾN SĨ ÁO TRẮNG NƠI TUYẾN ĐẦU CHỐNG DỊCH COVID-19

LTS: Công việc căng thẳng, áp lực, nhiều đêm thức trắng và đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm Covid-19 vô cùng cao, tuy nhiên những chiến sĩ áo trắng vẫn lặng thầm gánh trên vai sứ mệnh cao cả chữa bệnh cứu người. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Người Đưa Tin trân trọng giới thiệu tới quý vị độc giả loạt bài về những y bác sĩ kiên cường trên mặt trận chống dịch này...

Bài 2: Bác sĩ trẻ ngày điều trị F0, tối đồng hành hỗ trợ bệnh nhân qua điện thoại

Nửa đêm nhận điện thoại của F0 là chuyện bình thường

Từ ngày 23 tháng Chạp, bác sĩ Lê Thị Thùy Trang, công tác khoa Xạ tổng hợp, bệnh viện Ung bướu Nghệ An được tăng cường thêm cho bệnh viện Dã chiến số 3 ở Tx.Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Đây cũng là năm đầu tiên bác sĩ Trang đón Tết xa bố mẹ, xa gia đình.

Hơn 1 tháng trôi qua, bác sĩ Trang và đồng nghiệp đã phải căng mình để điều trị cho những người nhiễm Covid-19 do số lượng bệnh nhân tăng nhanh. Mặc dù vậy, tại các cơ sở bệnh viện dã chiến và trạm y tế lưu động cũng bắt đầu quá tải, vì vậy một số địa phương tại tỉnh Nghệ An đã triển khai phương án điều trị F0 tại nhà.

Sự kiện - Bài 2: Bác sĩ trẻ ngày điều trị F0, tối đồng hành hỗ trợ bệnh nhân qua điện thoại

Bác sĩ Lê Thị Thùy Trang, hiện công tác khoa Xạ tổng hợp, bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Ảnh FB nhân vật.

Cũng vì vậy, bác sĩ Lê Thị Thùy Trang quyết định công khai số điện thoại trên trang mạng xã hội Facebook cá nhân để hỗ trợ cho các bệnh nhân điều trị Covid-19 ở nhà.

“Làm việc ở bệnh viện dã chiến và có một số kinh nghiệm điều trị nên tôi quyết định nhận tư vấn F0 cho bệnh nhân tại nhà. Lần đầu bị nhiễm Covid-19, bệnh nhân nào cũng sẽ lo lắng, hoang mang. Vì thế, dù không giúp được nhiều nhưng tôi mong rằng sự động viên của mình sẽ phần nào giúp bệnh nhân bớt phần nào lo lắng”, bác sĩ Trang chia sẻ.

Nữ bác sĩ trẻ cũng thừa nhận, lúc đầu chỉ nghĩ rằng chủ yếu là tư vấn cho bạn bè, người thân. Điều Trang không lường được là số bệnh nhân gọi điện đến quá đông. Thời điểm đăng thông tin này cũng là lúc gia tăng F0 trên toàn tỉnh và thông tin của chị được nhiều cá nhân khác chia sẻ trên mạng xã hội.

Những cuộc điện thoại liên tục ngày đêm cũng đã trở nên bình thường. Dù là giữa đêm hay mờ sáng nhưng bác sĩ Trang cố găng không bỏ lỡ cuộc điện thoại nào. Bởi chị biết, đây là những cuộc điện thoại cấp bách, cần được tư vấn của những bệnh nhân Covid-19.

Sự kiện - Bài 2: Bác sĩ trẻ ngày điều trị F0, tối đồng hành hỗ trợ bệnh nhân qua điện thoại (Hình 2).

Bác sĩ Trang cùng với các bác sĩ trẻ tư vấn cho F0 tại nhà.

Sau khi điện thoại bị quá tải, Trang cũng đã kết nối với nhiều bác sĩ khác như bác sĩ Vân (bệnh viện Nội tiết), bác sĩ Hoa (bệnh viện Cửa Đông), bác sĩ Tước (bệnh viện Quân khu 4), bác sĩ Đức (bệnh viện Phổi), bác sĩ Công (bệnh viện Ung bướu) để kịp thời hỗ trợ.

Ngoài ra, Trang và các đồng nghiệp cũng tham gia vào Dự án điều trị bệnh nhân F0 tại nhà từ thành phố Hồ Chí Minh để kêu gọi các bác sĩ trên cả nước cùng tham gia vào hỗ trợ, tư vấn cho bệnh nhân F0 trên địa bàn.

“Dù có ít thời gian nhưng tôi cũng muốn góp thêm chút sức để cùng mọi người để đầy lùi dịch bệnh. Trong khó khăn mọi người lại kết nối, san sẻ với nhau nhiều hơn. Hiện số bệnh nhân gọi điện thông báo đã âm tính rất nhiều khiến tôi rất vui”, bác sĩ Trang chia sẻ.

Đề phòng những sai lầm khi điều trị F0 tại nhà

Là một trong 17 bác sĩ trong nhóm tư vấn người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà trên địa bàn Tp.Vinh, bác sĩ Phan Quang Trung, khoa Tai Mũi Họng, bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, cho biết khó khăn hiện nay đó là do có quá nhiều luồng thông tin nên việc điều trị của nhiều gia đình bị sai phương pháp.

Trong đó có rất nhiều bệnh nhân khi mới nhiễm Covid-19 đã mua và sử dụng rất nhiều thuốc như kháng sinh hoặc chống viêm. Trong khi đó, bệnh nhân chỉ có các triệu chứng như đau đầu và một vài triệu chứng bình thường khác chưa cần phải sử dụng đến thuốc.

“Việc sử dụng quá nhiều thuốc không cần thiết cũng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Chúng tôi phải hướng dẫn cụ thể để bệnh nhân có cách điều trị đúng và sớm khỏi bệnh. Đặc biệt, chúng tôi luôn động viên để các bệnh nhân có tinh thần lạc quan để chiến thắng dịch bệnh”, bác sĩ Trung chia sẻ.

Sự kiện - Bài 2: Bác sĩ trẻ ngày điều trị F0, tối đồng hành hỗ trợ bệnh nhân qua điện thoại (Hình 3).

Bác sĩ Trung đưa ra lời khuyên cho các bệnh nhân điều trị ở nhà.

Đặc biệt, khá nhiều người khi có nguy cơ lây nhiễm hoặc đang là F1 đã vội vàng tìm mua các loại thuốc được cho là phòng, chống lây nhiễm tốt. Tăng cường hệ miễn dịch có thể giúp cơ thể chống được sự xâm nhập của virus, tuy nhiên đó là một quá trình lâu dài, và cần kết hợp các yếu tố khác nữa như ăn uống đủ chất, tập luyện đều đặn, ngủ nghỉ hợp lý. Không có loại thần dược nào lại giúp tăng được sức đề kháng chỉ trong vài ngày cả.

“Cái gì nhiều quá đều không tốt. Khá nhiều bà mẹ khi gửi hình ảnh các loại thuốc đang dùng cho con mình, có tới 3-4 loại có vitamin C, hoặc 3-4 loại đều có kẽm. Mỗi ngày chỉ cần một viên vitamin tổng hợp là đủ. Quan trọng nhất là ăn uống đủ chất, không bị mất nước, điện giải và có giấc ngủ tốt”, bác sĩ Trung nói.

Về việc này, bác sĩ Lê Thị Thùy Trang cũng cho biết thêm, hiện nay, bệnh nhân F0 chủ yếu đã được tiêm phòng nên triệu chứng không nặng hoặc không có triệu chứng. Vì vậy, việc điều trị tại nhà có thể có hiệu quả tương đương như ở trong các bệnh viện. Tuy nhiên, nhiều người đang mắc một số sai lầm trong quá trình điều trị. Nên trong quá trình tư vấn, chị luôn cố gắng hỏi kỹ để có những lời khuyên hữu ích nhất cho bệnh nhân.

“Khi điều trị cho bệnh nhân qua điện thoại và các ứng dụng mạng xã hội, chúng tôi cũng yêu cầu gia đình bệnh nhân cung cấp đầy đủ các thông tin về chiều cao, cân nặng, thời gian tiêm vắc-xin, các bệnh nền (nếu có) và các triệu chứng về sức khỏe (kể cả video) để có thể chẩn đoán và hỗ trợ chính xác, kịp thời. Bằng kinh nghiệm của mình, tôi muốn giúp cho bệnh nhân dù ở nhà cũng có thể khỏi bệnh trong thời gian sớm nhất”, bác sĩ Trang nói.

Bác sĩ Nguyễn Thế Tùng, Giám đốc trung tâm Y tế Tp.Vinh cho biết: “Do khối lượng công việc lớn, số lượng F0 điều trị tại nhà đông, cán bộ y tế phường quá tải nên công tác hỗ trợ, tư vấn cho F0 không thể đáp ứng tốt theo yêu cầu, nguyện vọng của bệnh nhân. Vì vậy, hiện nay, các ban chỉ đạo phòng chống dịch đang triển khai phương án lập nhóm trên mạng xã hội Zalo để tư vấn, hỗ trợ, trả lời câu hỏi từ xa. Đây là cách làm hay, thể hiện rõ phương châm “4 tại chỗ”; sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và người dân trong công tác chống dịch”.

Bài 3: Cuộc chiến giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19

Anh Ngọc

Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/bai-2-bac-si-tre-ngay-dieu-tri-f0-toi-dong-hanh-ho-tro-benh-nhan-qua-dien-thoai-a10125.html